Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, mở rộng cao tốc TP.HCM Long Thành - Dầu Giây và mở rộng quốc lộ 50 là 4 dự án sẽ được đẩy nhanh triển khai những năm tới giúp kết nối, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vừa được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư. Dự án có chiều dài toàn tuyến 50km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 23,7km với 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh dài 26,3km có 6 làn xe. Điểm đầu dự án từ vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP.HCM) tuyến đi song song quốc lộ 22 hiện hữu, điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Ở giai đoạn 1, dự án thực hiện từ 2021 - 2026 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng. Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Riêng việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM và Tây Ninh. Dự án khi khai thác giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác tuyến liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia. Đồng thời, công trình cũng phá thế độc đạo của quốc lộ 22 đang quá tải.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước) dài 68km, dự kiến giai đoạn một tổng vốn đầu tư 24.274 tỷ đồng hiện đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuyến cao tốc sẽ đi qua TP.HCM dài 2km, Bình Dương 60km và 7km thuộc địa phận Bình Phước.
Công trình được đầu tư 4 làn xe theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng sử dụng ngân sách các địa phương dự án đi qua. Vốn hỗ trợ từ Trung ương sẽ được Chính phủ xem xét một phần. Hiện, dự án được lên kế hoạch khởi công giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành sau đó giúp tăng kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên.
Trong khi đó, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua TP.HCM và Đồng Nai, khai thác giai đoạn một năm 2015 quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng. Những năm gần đây, tuyến cao tốc này thường quá tải vào các dịp lễ Tết do lượng xe tăng cao.
Tuyến cao tốc này đang được nghiên cứu mở rộng với chiều dài gần 24km trong tổng 55km toàn tuyến. Trong đó, mở rộng đường từ 4 lên 8 làn xe, tốc độ 100 - 120km/h. Riêng hai cầu lớn trên tuyến gồm cầu Sông Tắc và Long Thành, lần lượt được đề xuất mở rộng lên 10 và 9 làn… Kinh phí mở rộng ước tính gần 13.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA khoảng 446 triệu USD, còn lại vốn đối ứng từ Chính phủ. Dự án mở rộng cao tốc khi hoàn thành ngoài nâng năng lực khai thác sẽ góp phần tăng khả năng kết nối khu vực Đông Nam Bộ, đồng thời đáp ứng nhu cầu giao thông khi sân bay Long Thành dự kiến khai thác năm 2025.
Tương tự, quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh, dài hơn 8km sẽ được mở rộng với tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Tổng chiều dài dự án gần 7km, trong đó đoạn một dài 4,36km sẽ xây dựng đường song hành quốc lộ 50 và đoạn 2 dài 2,56km được mở rộng đường hiện hữu lên 34m. Trên tuyến sẽ xây dựng mới cầu Bà Lớn và cầu Ông Thìn. Việc mở rộng quốc lộ 50 sẽ giúp đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận tiện giữa TPHCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Cần cơ chế thu hút đầu tư
Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết, việc sớm hình thành các tuyến vành đai, tuyến quốc lộ, cao tốc có tính liên kết vùng được thành phố đặt mục tiêu hoàn thiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Đối với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, ông Bằng cho biết, theo quy trình, TP.HCM sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó mới lập dự án đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khởi công theo quy định. "Theo kế hoạch tổng thể đã đề ra, dự án dự kiến sẽ trình Thủ tướng cuối năm 2021" - ông Bằng cho biết.
Đối với dự án mở rộng quốc lộ 50, ông Bằng cho biết đây là một trong những dự án được ưu tiên thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 do tranh thủ được nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Các đơn vị đang phấn đấu hoàn tất các thủ tục liên quan như thiết kế bản vẽ, thúc đẩy giải phóng mặt bằng để khởi công dự án vào cuối năm nay.
Đối với dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, ông Bằng cho biết khi các dự án này được phê duyệt, phía TP.HCM sẽ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để sớm triển khai thi công.
Theo ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi đóng góp hơn 45% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước nhưng bị cho đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Một trong nguyên nhân chính do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu kết nối vùng. Trong đó, các đường cao tốc, vành đai... còn ít, gây nhiều điểm nghẽn.
Ông Trường đánh giá dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi hoàn thành giúp khơi thông thế độc đạo của quốc lộ 22, kết nối với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để dự án triển khai nhanh, theo ông Hà Ngọc Trường, TP.HCM cần phải tiến hành hoàn thiện quy trình, kế hoạch thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước để triển khai dự án. Khi hoàn thiện được quy trình, không chỉ là thực hiện dự án này mà còn làm cơ sở để thực hiện các dự án quan trọng khác như vành đai 3, 4 và các tuyến đường sắt...