Aa

Kỳ vọng “50 triệu lượt khách”: bài toán thách thức của du lịch Quảng Ninh

Thứ Tư, 17/04/2019 - 07:24

Khai thác hiệu quả tài nguyên của vùng đất di sản, đổi mới quảng bá, đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch... là những yếu tố giúp ngành “công nghiệp không khói” của Quảng Ninh bứt phá.

Nhưng vùng đất di sản vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc tế vào năm 2030 với kỳ vọng “50 triệu lượt khách” như Thủ tướng từng đặt ra.

Bứt phá

Vài năm trở lại đây, du lịch Quảng Ninh bứt phá thần kỳ với hàng loạt sự kiện trọng đại: Đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu; hoàn thành xuất sắc chuỗi công trình giao thông quy mô và đón dòng vốn đầu tư kỷ lục trong lĩnh vực du lịch dịch vụ ….

Không gian và sản phẩm du lịch được mở rộng với nhiều công trình, cơ sở hạ tầng du lịch quan trọng, mang lại sự hài lòng cho du khách như Thư viện - Bảo tàng tỉnh, phố đi bộ Hạ Long, cảng tàu quốc tế Tuần Châu… hay mới đây là Quần thể FLC Hạ Long vừa chính thức khai trương cuối năm 2018, bổ sung cho hạ tầng Quảng Ninh một “địa chỉ đỏ” của nghỉ dưỡng cao cấp cũng như điểm đến của những sự kiện tầm cỡ: Bế mạc năm du lịch Quốc gia 2018 hay Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF 2019)…

 Quần thể FLC Hạ Long, một “địa chỉ đỏ” nghỉ dưỡng cao cấp

Quần thể FLC Hạ Long, một “địa chỉ đỏ” nghỉ dưỡng cao cấp

Hàng loạt những công trình giao thông quy mô đi vào vận hành, trong đó đáng chú ý là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - mảnh ghép mới trong bức tranh hạ tầng giao thông hiện đại của tỉnh Quảng Ninh hay thương hiệu Bamboo Airways với đường bay Tp. Hồ Chí Minh – Vân Đồn… góp thêm một lựa chọn mới trong phương thức kết nối giao thương, du lịch giữa Quảng Ninh và những vùng miền trong cả nước.

Tất cả những yếu tố này đã và đang đưa kinh tế Quảng Ninh chuyển dịch từ "nâu" sang "xanh" một cách thành công, với 12,2 triệu lượt khách trong năm 2018, doanh thu từ du lịch đạt 23,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 30% so với 2017.

Thách thức

Dù tăng trưởng tích cực song nhiều chuyên gia nhận định dư địa phát triển của Quảng Ninh vẫn còn rất lớn. Năm 2018, Quảng Ninh đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng con số này vẫn chưa thực sự ấn tượng nếu so với Phuket hay Pattaya (Thái Lan) với 10 triệu lượt khách, Bali (Indonesia) với gần 8,5 triệu khách…, đặc biệt trong bối cảnh hầu hết các địa danh này không có nơi nào sở hữu một di sản đã hai lần được Unesco vinh danh như vịnh Hạ Long.

Để trả lời cho câu hỏi “tại sao không phải 50 triệu lượt khách” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đặt ra, Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng thực sự cần những “vũ khí mới” để tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong các năm tới.

Du lịch Quảng Ninh cần những “vũ khí mới” để bứt phá vươn tầm di sản. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Du lịch Quảng Ninh cần những “vũ khí mới” để bứt phá vươn tầm di sản. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Thành phố cần cải thiện và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đa dạng kích thích chi tiêu và đưa du khách quay trở lại, bên cạnh những tour trải nghiệm và khám phá vịnh bằng du thuyền đang ngày càng trở nên quen thuộc. Đó có thể là hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch golf, du lịch MICE, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, dịch vụ giải trí cao cấp… với hệ tiện ích đồng bộ nhằm giữ chân khách quốc tế, vốn là thành phần du khách khó tính, yêu cầu cao.

Song song với đó, Quảng Ninh cũng cần tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng biến với hiện trạng biến đổi khí hậu, phát triển du lịch vì chất lượng cuộc sống, du lịch phải gìn giữ được cảnh quan và mang lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng…

Một vấn đề quan trọng khác cần sự vào cuộc nghiêm túc của các Ban, ngành là quy hoạch phát triển cho Hạ Long trong tầm nhìn dài hạn nhiều thập kỷ tới. Có thể thấy Hạ Long đang là trung tâm của nguồn vốn trong và ngoài nước, khi tính đến giữa năm 2018, một tỷ lệ lớn các dự án FDI tại Quảng Ninh tập trung vào địa bàn này với 57 dự án, chiếm gần 26% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.

Điều này rất dễ lý giải vì Hạ Long được xem là “thủ phủ”, là đô thị trung tâm của Quảng Ninh, nhưng nếu không có một quy hoạch đúng đắn, có thể thấy không gian cho việc thu hút đầu tư của Hạ Long sẽ ngày càng hạn chế, khi quỹ đất đã và đang cạn kiệt. Điều này có thể dẫn tới những bất cập trong việc đầu tư một hạ tầng đồng bộ, quy mô tầm quốc gia - quốc tế, bao gồm các khu công nghiệp công nghệ cao, các quần thể du lịch giải trí quy mô, hoặc các đô thị mới đáp ứng sự gia tăng tất yếu về dân số và tốc độ đô thị hóa….

Nhằm đánh giá tiềm năng phát triển du lịch Quảng Ninh cũng như đề xuất những giải pháp bứt phá, UBND tỉnh Quảng Ninh và Hiệp hội các Tổ chức Dịch vụ Phát triển Kinh doanh Việt Nam đồng chủ trì tổ chức hội thảo: “DU LỊCH QUẢNG NINH - VƯƠN TẦM DI SẢN”; với đơn vị thực hiện là Diễn đàn Đầu tư (BizLIVE.vn), Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam). Hội thảo có sự hiện diện và phát biểu tham luận từ đại diện các cơ quan: Ban Kinh tế trung ương, Văn Phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Các cơ quan, tổ chức nước ngoài; Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh; Các chuyên gia kinh tế, văn hoá, lịch sử; Đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp và sự tham dự đưa tin của 100 cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương.
T

hời gian: 13.30 - 17.00 ngày 19/4/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top