Aa

Kỳ vọng cổ phiếu xây dựng vượt khó trước nhiều thách thức

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 03/03/2023 - 07:00

Nhiều nhà đầu tư hiện đang tìm kiếm cơ hội ở cổ phiếu ngành xây dựng bởi kỳ vọng ngành này sẽ khởi sắc khi đầu tư công đang được đẩy mạnh.

Ngành xây dựng cũng chịu áp lực

Trước tình hình ngành bất động sản "đóng băng", hàng loạt doanh nghiệp ngành xây dựng cũng đối mặt với bài toán kinh doanh ảm đạm, doanh thu dự báo sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành vẫn đa số phủ xanh trong những phiên gần đây. 

Cụ thể, trong 2 phiên gần nhất, nhóm bất động sản, lại có một phiên khá “chật vật” để dành sắc xanh. Dù có đến 44/79 mã cổ phiếu tăng giá, nhưng nhóm này chỉ kịp bắt lại sắc xanh nhẹ 0,09% điểm. Bởi hầu hết các mã trụ tăng ở mức rất thấp: VIC +0,19%, BCM +0,72%, VRE +0,37%,… Còn nhóm cổ phiếu ngành xây dựng cũng là một điểm sáng với giao dịch tích cực có HPG +4.5%, HSG +6.87%, NKG +6.71%, HT1 +4.29%, VGS +7.63%,…

Mặc dù vậy, Chứng khoán VCBS nhìn nhận trong năm 2023, một lượng đáng kể trái phiếu doanh nghiệp sẽ bắt đầu đáo hạn và tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp bất động sản xét đến khó khăn trong việc phát hành trái phiếu mới hoặc vay tín dụng để đảo nợ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp phải sắp xếp nguồn tài chính để mua lại trước hạn các khoản trái phiếu đã phát hành để tránh rủi ro pháp lý. Việc bán hàng hoặc chuyển nhượng dự án để tạo dòng tiền gặp bất lợi khi thị trường bất động sản trầm lắng và thanh khoản sụt giảm đáng kể.

Cũng theo VCBS, khó khăn trong thu hồi công nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế tài chính và thanh khoản của các doanh nghiệp xây dựng khi phần lớn các nhà thầu phải sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động thi công. Áp lực sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với các nhà thầu có tỷ trọng phải thu trong cơ cấu tài sản lớn, đặc biệt khi các khoản phải thu nằm nhiều tại các chủ đầu tư nhỏ hoặc đang gặp rủi ro về sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu sai quy định và sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Nhiều chủ đầu tư bất động sản có thể thiếu hụt nghiêm trọng về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho các nhà thầu. Áp lực trích dự phòng phải thu tại các doanh nghiệp xây dựng nhiều khả năng sẽ thể hiện mạnh mẽ từ giữa năm 2023, khi các khoản phải thu xây dựng quá hạn thanh toán trên 6 tháng. Như vậy, cổ phiếu nhóm xây dựng cũng sẽ khó bứt phá như kỳ vọng.

Ngành xây dựng vẫn được phủ sắc "xanh". (Ảnh: Vietnam+)

Nhà đầu tư cần chú ý dòng tiền doanh nghiệp

Báo cáo mới đây của nhóm phân tích chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) về ngành xây dựng cho rằng đầu tư công sẽ là điểm sáng trong tăng trưởng trong năm 2023, nhưng rủi ro chậm giải ngân vẫn còn hiện hữu.

Đầu tháng 2/2023, Bộ Tài chính cho biết, đã phân bổ được trên 638.613 tỷ đồng, đạt 90.32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 704.044 tỷ đồng). Có thể thấy nếu thành công trong việc giải ngân thì nguồn vốn đầu tư công sẽ là động lực quan trọng đóng góp tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Đáng chú ý, việc được hỗ trợ nhiều thông tin tích cực đã giúp cho nhóm cổ phiếu đầu tư công trở thành nhóm phục hồi mạnh nhất thị trường. Trên cơ sở đó, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp xây dựng được hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công đã phản ánh hầu hết các yếu tố kỳ vọng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến dòng tiền doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư.

Ông Trần Minh Hoàng, Công ty TNHH Chứng khoán NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) phân tích, khi các dự án lớn đồng loạt được triển khai sẽ mang đến cơ hội cho nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng, từ đó cổ phiếu các doanh nghiệp ngành này sẽ xanh hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần nắm rõ, có sự khác biệt tương đối giữa các nhóm doanh nghiệp theo loại hình công trình để lựa chọn đúng đắn.

Cụ thể lĩnh vực xây dựng dân dụng như: CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons)… các công trình thi công gồm chung cư, khu đô thị, tòa văn phòng, trung tâm thương mại…; lĩnh vực xây dựng hạ tầng có Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), CTCP Tập đoàn CIENCO4 (C4G), CTCP FECON (FCN), CTCP Xây dựng 47 (C47)… công trình thi công gồm: cao tốc, sân bay, đường quốc lộ, cầu; lĩnh vực xây dựng công nghiệp có CTCP FECON (FCN), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LLM), CTCP Công Nghiệp SUMITECH (Sumitech), CTCP Đầu Tư Xây Dựng Icons Việt Nam (Icons)… công trình thi công gồm: nhà máy, nhà xưởng, kho bãi…

Nhận định về triển vọng 2023, đại diện VCBS cho rằng, có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp. Với lĩnh vực xây dựng dân dụng, 2023 sẽ là một năm khó khăn khi nhu cầu xây dựng thấp và áp lực cạnh tranh tăng cao, bên cạnh đó là rủi ro trích lập dự phòng phải thu đáng kể, đặc biệt trong nửa cuối năm nay.

“Trong nhóm doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi đánh giá cao CTD nhờ cơ cấu tài chính khỏe mạnh, nguồn tiền mặt lớn giúp doanh nghiệp chống chịu tốt trong giai đoạn thị trường khó khăn. Và nhiều lợi thế trong việc gia nhập thị trường xây dựng công nghiệp và giành các gói thầu lớn từ khối doanh nghiệp FDI nhờ gần gũi về văn hóa và quy trình hoạt động được chuẩn hóa quốc tế”, ông Hoàng nhận định.

Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT ước tính, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng trưởng 20 - 25% và phát triển cơ sở hạ tầng cũng sẽ có nhiều triển vọng khi các vấn đề về thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết. Các dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý trong thời gian tới là cao tốc Bắc - Nam phía Đông - giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, đường vành đai 4 (Hà Nội) và đường vành đai 3 (TP.HCM). Cơ hội giành được các gói thầu quy mô lớn của những doanh nghiệp hàng đầu nhằm rút ngắn thời gian. Theo đó, nhóm chuyên gia tin rằng những công ty hàng đầu với hồ sơ tốt như VCG, HHV, C4G, sẽ có nhiều lợi thế để giành được các gói thầu lớn.

Có thể thấy, các nhà đầu tư trên thị trường đang kỳ vọng vào tương lai tươi sáng hơn đối với nhóm xây dựng hạ tầng trong năm 2023 khi Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư công trọng điểm để kéo cả nền kinh tế tăng trưởng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top