Chiều ngày 6/12, gần 40 đại diện đơn vị lữ hành trên địa bàn Hà Nội đã thăm quan tại tòa nhà DOJI Tower với mong muốn tìm kiếm một điểm đến du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm mua sắm, ẩm thực cho khách du lịch khi tới Thủ đô.
Tham dự cuộc gặp mặt với Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và Lãnh đạo Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, nhiều đơn vị lữ hành chia sẻ về việc, hiện nay, các công ty lữ hành mới xây dựng được tour truyền thống thông qua việc kết nối các di tích Hà Nội với nhau. Còn việc xây dựng các sản phẩm du lịch khác, ví như các điểm vui chơi, mua sắm, ẩm thực có quy mô lớn hầu như chưa có.
Ông Nguyễn Hồng Đài – Tổng Giám đốc APT Travel, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô cho biết: “Ở nước ngoài, việc kết hợp giữa điểm tham quan du lịch, các khu bảo tàng, các điểm mua sắm và đơn vị lữ hành rất chặt chẽ. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có được sự kết nối đó. Đặc biệt, Hà Nội thiếu và gần như chưa có các điểm mua sắm lớn, đồng bộ, có tính bài bản để doanh nghiệp lữ hành có thể hợp tác, đa dạng hơn về tour du lịch cũng như có nơi để khách hàng trải nghiệm, mua sắm”
Thiếu điểm mua sắm đạt chuẩn không chỉ đơn thuần là thiếu nơi để khách “tiêu tiền” mà ngành du lịch Hà Nội còn đánh mất cơ hội để khách trải nghiệm, tìm hiểu về sản phẩm, văn hóa của dân tộc.
Ông Trần Đức Hải – Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội thừa nhận, hiện nay ngành du lịch tại Hà Nội vẫn chưa đạt được kỳ vọng, đặc biệt là mức chi tiêu bình quân của khách. “Chi tiêu bình quân của khách có thể thấy chất lượng, mức tăng trưởng của du lịch Hà Nội. Hiện nay, cơ cấu chi tiêu thông thường của một khách dành 70% cho lưu trú và 30% cho mua sắm, tham quan, y tế… Vì vậy, ngoài thu hút tăng trưởng về số lượng, vấn đề tiếp theo của du lịch Hà Nội là chất lượng. Vì thế, du lịch cần chú trọng hơn nữa việc phát triển con số 30% kể trên”, ông Hải nhấn mạnh.
Thấu hiểu “bài toán khó” của du lịch Thủ đô, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI quyết định đưa DOJI Tower trở thành điểm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách khi đến với Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, với vị thế vàng và nằm trong tuyến tham quan Hồ Gươm – Văn Miếu – Hoàng Thành, DOJI Tower sẽ là địa điểm tham quan và mua sắm thu hút nhiều phân khúc khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tại buổi gặp mặt, các đơn vị lữu hành đã được tham gia tour trải nghiệm độc đáo tại DOJI Tower – Tòa nhà có kiến trúc kim cương độc đáo đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới, đồng thời là Trung tâm Trang sức lớn nhất Việt Nam với 5 tầng, tổng diện tích mặt sàn lên tới 5.000m2 với đa dạng phân khúc, mẫu mã sản phẩm.
Tầng 1 là nơi bày bán các sản phẩm trang sức đá quý, trang sức ngọc trai, trang sức Ý - Hàn Quốc và đồng hồ thời trang. Tầng 2 là nơi bày bán các sản phẩm cưới được thiết kế đa dạng, sành điệu... thuộc thương hiệu Weddingland. Tầng 3 được trải thảm màu xanh ngọc quyến rũ, tất cả mặt thảm đều được điểm xuyết những viên kim cương, ruby, sapphire, mang tới cảm giác được dạo bước trên thảm đá quý cho khách hàng, một trải nghiệm có một không hai.
DOJI đã dành riêng tầng 4 và tầng 5 tại DOJI Tower để xây dựng riêng một Bảo tàng Đá quý Việt Nam với khu hang động và khu trưng bày. Trong đó, hang động độc đáo tái hiện chân thực lịch sử của hoạt động khai thác đá quý. Và khu trưng bày với hàng trăm mẫu đá quý hiếm của Việt Nam cũng như thế giới, đặc biệt nơi đây có sự hiện diện của nhiều bảo vật đá quý kỷ lục. Sau này, tại đây sẽ tổ chức những cuộc đấu giá đá quý.
Nói về tâm huyết của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI với phát triển du lịch Thủ đô, bà Đỗ Vũ Phương Anh – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cho biết: “Bằng tình yêu với Hà Nội, DOJI mong muốn kiến tạo nên một điểm đến văn hoá - du lịch độc đáo của Thủ đô - nơi du khách Quốc tế có thể được chiêm ngưỡng một kiệt tác kiến trúc của người Việt. Đồng thời, chiêm ngưỡng, trải nghiệm và mua sắm những sản phẩm vàng bạc, đá quý tinh xảo, giá trị, được làm ra bởi sự sáng tạo và tài năng của chính những con người Việt với niềm tự hào tài nguyên Việt”.
DOJI Tower có diện tích lên tới 19.000 m2, cao 16 tầng và 3 tầng hầm. Nằm tại vị trí đắc địa ngay trung tâm Thủ đô, DOJI Tower có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, Tòa nhà gần nhiều khu di tích lịch sử, điểm tham quan như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Lăng Bác, Hoàng Thành Thăng Long…
Ông Kiều Việt – Trưởng phòng Quản lý Cơ sở Lưu trú, Sở Du lịch TP. Hà Nội đánh giá: “Hiện tại, Hà Nội có một số điểm đến nhưng để đạt chuẩn, đồng bộ như DOJI Tower hiện chưa có. Vì vậy, dù Tòa nhà là một điểm mới nhưng có rất nhiều tiềm năng, khả năng phục vụ cũng như thu hút khách du lịch”.