Với những điểm mới đề xuất trong dự thảo, các ngân hàng kỳ vọng có điều kiện tốt hơn để thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư ngoại, cũng như nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng.
Yêu cầu nâng cao năng lực
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để thực hiện tốt “Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, theo Quyết định 689/QĐ-TTG ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, cần đồng bộ các giải pháp, trong đó có giải pháp tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành của tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo đó, một trong những giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành của TCTD Việt Nam là khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TCTD Việt Nam, tuy nhiên, phải đảm bảo hài hòa, không ảnh hưởng đến an toàn hệ thống TCTD, đảm bảo an ninh tiền tệ ngân hàng. Do vậy, Nghị định 01/2014/NĐ-CP (Nghị định 01) phải được sửa đổi cho phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung); tạo điều kiện cho TCTD, nhất là các TCTD nhận chuyển giao bắt buộc có thêm nguồn lực tài chính để cơ cấu lại TCTD được chuyển giao; góp phần thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, định hướng chung của NHNN thời gian qua và giai đoạn tới vẫn luôn nhắm đến đảm bảo an toàn lành mạnh hệ thống. Một trong những giải pháp là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, trên cơ sở đó triển khai các văn bản dưới luật.
Ngoài ra, một số điều của Nghị định 01 cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán hiện hành,… và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Để thực hiện việc sửa đổi Nghị định 01, ban soạn thảo cho biết đã thực hiện rà soát, cập nhật các quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần Việt Nam quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019,… và quy định tại Nghị định 01. Đồng thời, việc chuẩn bị các nội dung sửa đổi cũng thực hiện trên cơ sở rà soát các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam; từ đó sửa đổi, bổ sung các nội dung đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Thu hút vốn ngoại phục vụ tái cơ cấu
Thực chất, việc các ngân hàng thực hiện các đợt bán vốn cho nhà đầu tư ngoại thường là chủ đề được giới đầu tư quan tâm, vì đây thường là các thương vụ lớn. Đồng thời, một nhà đầu tư ngoại khi mua cổ phiếu của một ngân hàng hay tổ chức tài chính của Việt Nam cũng đồng nghĩa cho thấy sự nhập cuộc của một định chế tài chính quốc tế bước chân vào thị trường nội địa.
Có 2 ngân hàng nhận chuyển giao có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu vốn ngoại
Hiện nay có 4 ngân hàng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó, có 2 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%. 2 ngân hàng này chiếm 3,13% tổng số ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam; chiếm 6,59% tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam; chiếm 5,26% thị phần huy động và 5,49% thị phần cho vay đối với thị trường 1 (các tổ chức kinh tế và dân cư).
Sự kiện đáng quan tâm gần đây nhất liên quan đến một ngân hàng trong nước bán cổ phần cho đối tác ngoại là thương vụ Ngân hàng VP Bank bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - thuộc Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản. Đây là một khoản đầu tư có thể đem lại nguồn tài chính rất lớn, bởi SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương mức giá 30.160 đồng/cổ phiếu); nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Lợi thế khi một ngân hàng bán vốn cho tổ chức tài chính quốc tế không chỉ nằm ở tiền, bởi SMBC sau khi mua cổ phần VP Bank cũng sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của VPBank bằng cách chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm mà tập đoàn này đã tích lũy được trong nhiều năm qua ở nhiều thị trường châu Á.
Liên quan đến lộ trình sửa đổi Nghị định 01 hiện nay, giới đầu tư kỳ vọng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng có thể tăng từ mức 30% hiện nay lên 49%. Theo đó, dư địa cho các tổ chức tài chính nước ngoài mua thêm cổ phần trong nước cũng sẽ mở rộng đáng kể.
Tuy nhiên, “khoảng đất” được mở rộng có thể không phải với tất cả các ngân hàng, mà có thể trước mắt hạn chế trong một số TCTD nhận chuyển giao bắt buộc những ngân hàng yếu kém. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho TCTD nhận chuyển giao tăng cường được năng lực tài chính (khi thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài, tăng vốn chủ sở hữu); nâng cao năng lực quản trị điều hành, đổi mới công nghệ..., tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho TCTD được chuyển giao; góp phần thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế - xã hội./.