Aa

Kỳ vọng ổn định tỷ giá, thu hút dòng vốn ngoại trong năm 2024

Thứ Hai, 20/11/2023 - 16:34

Thị trường kỳ vọng năm 2024 sẽ tốt hơn về tăng trưởng, lạm phát và tăng trưởng tín dụng. Nếu tỷ giá duy trì quanh mức 1%, thì môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ rất tốt cho dòng vốn ngoại.

Tăng trưởng đang cải thiện tích cực

Vừa qua, Quốc hội đã thống nhất đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 là từ 6 - 6,5%, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng như vậy là khá cao và nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5 - 6%.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5% là nhiều thách thức, nhưng chúng ta cần đặt mục tiêu cao để phấn đấu. Nếu nền kinh tế phát huy được những động lực tăng trưởng hiện hữu, tìm kiếm và khai thác tốt những động lực tăng trưởng mới thì mục tiêu tăng trưởng đề ra khả thi.

Trong năm tới, Việt Nam cần phát huy hơn nữa các động lực tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.

"Các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế trong năm 2024 sẽ là thúc đẩy kinh tế số, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh liên kết vùng, đặc biệt ở các đầu tàu kinh tế như thủ đô Hà Nội, TP.HCM”, TS. Cấn Văn Lực dự báo.

Ông Nguyễn Trung Du, giám đốc khối môi giới CTCK JB Việt Nam (JBSV) phân tích, trong hơn 10 năm qua từ năm 2011 - 2022, thì giai đoạn 2020 - 2021 là lúc chúng ta gặp đại dịch Covid-19 và có mức tăng trưởng thấp nhất. Đến năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ 8,02%.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP bắt đầu có sự cải thiện trở lại, với quý I là thời kỳ thấp điểm nhất khi GDP quý I chỉ tăng 3,28%. Tuy nhiên, quý II, quý III trở đi đã có sự tăng trưởng trở lại và trung bình 9 tháng, chúng ta đang đạt 4,24%. Với kết quả này, Chính phủ cũng đưa ra quyết tâm rất cao đó là tăng trưởng GDP năm nay tối thiểu 5%, đồng nghĩa với việc GDP quý 4 phải tăng trưởng tối thiểu 7%.

Từ các số liệu cho thấy, chúng ta đang sống trong một nền GDP có tốc độ tăng trưởng đều đều đi lên, hồi phục tốt, mặc dù không mạnh mẽ như kỳ vọng nhưng cũng đang trong đà hồi phục tích cực. Chính vì vậy, sang năm 2024 với chỉ tiêu đặt ra là 6-6,5% thì tăng trưởng các quý của năm sau sẽ càng phải cao hơn quý của năm nay để hoàn thành mục tiêu này.

“Một điểm tích cực là so với các quốc gia khác, Việt Nam duy trì được tốc độ kiểm soát lạm phát rất tốt, chỉ ở mức 3,6 - 3,7%. Nếu tính theo lãi suất hiện hành đang huy động 12 tháng khoảng 5,1 - 5,2% ở các ngân hàng lớn, thì chúng ta vẫn duy trì được lãi suất thực dương”, ông Du phân tích.

Bức tranh tươi sáng cho năm 2024

Cũng theo chuyên gia tại JBSV, nhìn từ năm 2015 trở lại đây, lạm phát của Việt Nam thường duy trì ở mức dưới 4%, là mức kiểm soát rất tốt, trong khi trước kia chúng ta đã có nhiều lần bị vỡ kế hoạch, lạm phát có những năm đạt mức 7 - 8%, thậm chí lên đến 14 - 15%.

Nếu Việt Nam duy trì được tỷ giá quanh mức 1% như các năm trước, khi đó, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ rất tốt cho dòng vốn ngoại.

Thêm một điểm đáng chú ý nữa là, mặc dù Quốc hội không nhắc đến thông điệp về tăng trưởng tín dụng, nhưng trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho năm 2024.

Nhìn tổng thể, chúng ta đang sống trong kỳ vọng năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023 về mặt tăng trưởng; lạm phát có thể sẽ duy trì ở mức tương đương, khó có kịch bản xấu hơn và tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn. Nếu Việt Nam duy trì được tỷ giá quanh mức 1% như các năm trước, khi đó, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ rất tốt cho dòng vốn ngoại.

Nếu chúng ta duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP 5 - 6% thì tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp so với năm trước có thể là 20-25% - mức nền mà các nhà đầu tư kỳ vọng định giá thị trường sẽ rẻ đi. Khi tốc độ tăng trưởng trở lại, thì mặt bằng giá hay chỉ số VN-Index sẽ tăng, nghĩa là thị trường chứng khoán trong năm sau sẽ có xu hướng cao hơn năm nay, với giả định trong trường hợp chúng ta không gặp những biến cố “thiên nga đen”. Đây đang là một bức tranh tươi sáng cho năm 2024 ở cả vấn đề vĩ mô và thị trường chứng khoán.

“Tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng 6 - 6,5% cho năm sau là có khả năng đạt được, vì đà tăng từ quý I/2023 đến hiện tại đang đi lên. Cộng thêm với những quyết tâm của Chính phủ, ngoài các con số về phần trăm thì Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt ra rất nhiều nhiệm vụ có tính chiều sâu, như đưa nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế xanh, bền vững, là những khái niệm mà thị trường Việt Nam gần đây đề cập rất nhiều. Có thể thấy, Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng bền vững mà thế giới đã áp dụng.

Ngoại trừ rủi ro lớn nhất hiện tại là vấn đề về tỷ giá, còn các áp lực khác như trái phiếu doanh nghiệp đã giảm bớt. Các báo cáo gần đây về thị trường trái phiếu đều cho thấy phát hành trong quý II, quý III/2023 đã tích cực hơn rất nhiều so với năm trước.

Riêng thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần lên. Gần đây, nhiều người đang ở chung cư cũ cho biết giá chung cư đang tăng tốt trong khi các dự án mới không có nhiều. Đó là tín hiệu tích cực cho những người đang sở hữu bất động sản chung cư và cũng là tín hiệu tốt cho thị trường. Phải có một phân khúc nào đó cải thiện, thì xu hướng của cả ngành bất động sản sẽ cải thiện”, ông Nguyễn Trung Du bình luận./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top