Điều này được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá có tác động lớn tới doanh nghiệp, giúp họ có dòng vốn duy trì sản xuất, lo cho người lao động.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Theo đó, với thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phải nộp phát sinh năm 2023 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định này. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn chậm nhất là ngày 30/12/2023.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, đại diện Công ty cơ khí SKD Việt Nam, một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí trọng điểm cho hay, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cùng những biến động lạm phát trên thị trường thế giới khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Chưa năm nào đơn đặt hàng của đối tác giảm nhiều như đầu năm nay. "Chúng tôi ngoài việc phải duy trì sản xuất thì cũng lo lương, thưởng, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong lúc này, việc giãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp được xem như là giải pháp thiết thực, đánh trúng vào nhu cầu của doanh nghiệp. Trước đó, các giải pháp về lãi suất, vốn vay dù được đưa ra nhưng hiệu quả mang lại với doanh nghiệp nhỏ là gần như không có. Do vậy, bản thân doanh nghiệp rất vui với chính sách này".
Nếu có thể, Chính phủ và các bộ ngành sớm có thêm sự hỗ trợ về giảm thuế, để doanh nghiệp có thêm trợ lực vượt qua giai đoạn khó khăn trong năm 2023 này, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết thêm.
Đại diện một doanh nghiệp dệt may cho hay, về cơ bản, khoản tiền thuế được giãn nộp này giống như một khoản vay trong ngắn hạn với lãi suất 0% cho doanh nghiệp. Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời này, đánh đúng đối tượng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hi vọng sẽ "nhẹ gánh" hơn, sớm được phục hồi.
Cùng với việc giãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra đề xuất, năm 2023 giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% xuống còn 8%; giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Với mức giảm này, Bộ Tài chính dự báo ngân sách nhà nước sẽ giảm thu 35.000 tỷ đồng.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho hay, các chính sách và những gói hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành đưa ra được cộng đồng doanh nghiệp trong ngành đánh gia rất cao. Có thể nói, Chính phủ đang nhận phần khó khăn, gánh nặng về phía mình, đem đến sự thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân. Chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ có thêm khoản tài chính - như một khoản vay ưu đãi với lãi suất 0% để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Đây là dòng tiền quý giá trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn.
Ông Long cũng mong mỏi, các cơ quan chức năng có thể cân nhắc sớm đưa thêm các chính sách về giảm thuế giá trị gia tăng bởi lẽ, thuế giảm cũng có nghĩa là giá hàng hóa trên thị trường được giảm theo số thuế. Từ đó, kích cầu tiêu dùng và tác động tốt tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thêm công việc, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, với kinh tế vĩ mô, việc giá giảm sẽ giúp kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng, kiểm soát lạm phát tốt hơn, ổn định kinh tế... Đây là một động thái có thể đem lại nhiều lợi ích cùng lúc.
Việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến hàng chục nghìn tỷ đồng nguồn thu ngân sách, song các chuyên gia cho rằng, ở chiều ngược lại có thể kích cầu tiêu dùng và giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% được xem là chính sách tương đối công bằng giữa nhà nước, doanh nghiệp và công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau.
Việc sử dụng công cụ thuế để kích cầu tiêu dùng trong nước là cần thiết, trong đó hữu hiệu nhất là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Khi giảm thuế, phí, doanh nghiệp sẽ có thêm dư địa để giữ hoặc giảm giá thành sản phẩm. Các giải pháp cùng hiệu quả mang lại đã có. Điều các doanh nghiệp và người dân mong mỏi là các chính sách sớm được thông qua và đi vào thực tiễn./.