Là cả làng quê
Thái Bình là quê chồng tôi, nhưng có lẽ phải gọi là quê tôi mới đúng. Bằng chứng là, khi đi ngoài đường làng, gặp ông già, bà cả, bà con lối xóm qua lại chào hỏi, chồng tôi lại quay qua hỏi tôi: Ông đó, bà đó, anh chị đó là ai, quan hệ với nhà mình như nào, họ bên nội hay là bên ngoại. Rồi vợ chồng bên nhà hàng xóm có mấy con, con đang học lớp mấy, con nhà ấy lấy vợ hay là chưa…
Tôi đã về quê chồng, thôn Phú La, xã Đô Lương, Đông Hưng, Thái Bình từ khi hai chúng tôi còn đang tìm hiểu (cái từ thông dụng hồi ấy, chỉ những người đang trong giai đoạn… tìm hiểu nhau). Khi đó ở quê có bà ngoại anh đang còn sống, bà hơn 80 mà còn minh mẫn, tinh tỏ lắm. Tôi cười lăn cười bò khi bà bảo với tôi: Sao mày lại yêu cái thằng xấu thế, người dài ngoẵng như cái sào chọc... Sau này, rất lâu sau, khi bà không còn nữa, tôi kể cho chồng tôi nghe, anh vẫn còn ấm ức bà ngoại lắm. Ôi, kính xin hương hồn bà yên nghỉ ạ...
Tôi vẫn còn nhớ cái lần đầu tiên về quê ấy, khi chia tay về lại Hà Nội, trong làng, người dúi cho cân gạo, người mấy củ khoai, mấy quả ổi… Ra đến đầu làng, còn nghe tiếng gọi hớt hải, quay lại thấy bà chị họ đang tất tả chạy theo, tay xách mấy quả bưởi còn nguyên lá cành xanh biếc. Nhiều thứ lỉnh kỉnh quá, chúng tôi sáng kiến cho vào hai cái tay nải (loại túi vải có thể xách, khoác vai, đeo chéo thời ấy các bà các cô hay dùng), rồi lấy cành bạch đàn làm đòn gánh, gánh tòn ten ra bến xe tận làng bên.
Đi một quãng ngoái lại vẫn thấy bà chị họ đứng bên cầu dõi nhìn theo. Sau này, khi tôi con bế con bồng, mỗi lần gặp, chị vẫn còn kể lại câu chuyện ngày ấy, tôi, tóc bím hai bên, đầu đội mũ nan rộng vành, gánh tòn ten trên vai hai cái tay nải, hai cái nơ xanh cài trên bím tóc như hai bàn tay nhỏ vẫy vẫy…
Chồng tôi yêu quê, đã hẳn. Cứ cuối tuần, không có lịch gì vướng bận ở Hà Nội, chúng tôi lại về làng. Từ đầu làng đã thấy trên những gương mặt rám nắng, khắc khổ là những nụ cười, tiếng chào hỏi râm ran: Về nghỉ cuối tuần đó hả? Về thăm bu đó hả? Chiều sang anh uống chén rượu nhé…
Mùa xuân năm ngoái (2020), khi cả nước mới bước vào thời kỳ đầu của dịch Covid-19, một cuối tuần chúng tôi lại về quê. Khác với mọi lần, không khí ở làng thật yên ắng, trên đường gần như không một bóng người, con đường làng được trải nhựa phẳng phiu như một dải lụa giờ đây vắng vẻ, dãy nhà dân hai bên đường nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Tự dưng, tôi thấy buồn buồn, có chút hụt hẫng.
Về tới nhà mình, chẳng buồn vào nhà, tôi ngồi dưới hàng hiên ngắm cái sân và mảnh vườn hanh hao nắng vàng, mấy chú bướm sắc màu bay dập dờn quanh bụi hoa hồng trắng, đang độ tưng bừng, nở như tận hiến, như chỉ được nở một lần trong đời.
Bỗng có tiếng gọi ngoài cổng. Thì ra là anh bác sĩ của làng, Trạm trưởng Trạm xá xã dắt xe vào. Anh nói: Thấy cô chú về, tôi qua lấy thông tin khai báo y tế, để cô chú đỡ phải qua trạm xá khai báo. Tôi ngạc nhiên, ở làng hay thật, chả gặp ai, mà biết ngay có người về! Xong câu chuyện khai báo y tế và hỏi thăm đôi câu, anh lại vội đi ngay, dặn vợ chồng tôi tuân thủ quy định giãn cách.
Có ở làng, tôi mới thẩm thấu một cách sâu sắc cái ý nghĩa của cụm từ “Bác sĩ của làng”. Đứa trẻ con giun sán sài đẹn, ông bà già trái gió trở trời, mẹ bầu nửa đêm chuyển dạ… Ôi! trăm nhà trăm cảnh. Thoắt thấy bóng áo trắng của anh bác sĩ ở thôn này, chốc đã lại ở thôn khác, rồi về trạm xá cắt đặt công việc, khám bệnh cho mọi người…
Ngay như gia đình tôi, biết bao lần, anh là người đầu tiên thông tin cho chúng tôi về sức khỏe của mẹ chúng tôi. Không phải chỉ thông báo không thôi, anh còn dùng kinh nghiệm nghề nghiệp để đưa ra tiên lượng giúp chúng tôi sắp xếp cho phù hợp. Khi thì anh báo: Bà mệt, nhưng nghe chừng do thời tiết thay đổi thôi, vài bữa chắc hết, chú thím mà bận quá thì chưa cần về, diễn biến có gì anh báo. Khi thì: Nghe chừng bà chuyến này mệt nặng, cơ sự này chú thím về cho bà lên bệnh viện huyện, tỉnh cho chắc… Rồi còn mang bình oxy để sẵn trong nhà mẹ chúng tôi. Chúng tôi thật biết ơn anh nhiều lắm.
Thời điểm đó chỉ mới là giãn cách chứ chưa cách ly nên bà con và mọi người vẫn được đi làm đồng, đi chợ hoặc giải quyết những công việc cần thiết. Mỗi khi có việc ra đường là tôi cảm nhận rõ sự tuân thủ của bà con với các chỉ đạo của chính quyền. Lượng người ra đường giảm hẳn. Ai ai, mọi người đều đeo khẩu trang. Có lần đang đi trên đường làng, tình cờ gặp bác người làng. Bác hỏi tôi: Ở Hà Nội về hả? Đã khai báo y tế chưa? Không được đi lung tung nhé. Tôi không những không cảm thấy bực mình mà còn thấy vui vui. Bà con mình giác ngộ thật.
Chiều chiều, tầm 5 giờ, loa phát thanh của xã lại vang lên. Khác với mọi khi loa thường phát các bản nhạc, bài thơ ca ngợi quê hương, thông báo tình hình sản xuất ở địa phương, thì nay chương trình mở đầu bằng bản tin Covid-19. Rồi đến phổ biến các cách phòng tránh virus, đến các thông tin phòng chống dịch của địa phương và cả nước. Đặc biệt còn có thông tin của trường phổ thông cấp 1, 2 trong làng dặn các cháu học sinh cần thực hiện những việc gì, ôn bài vở ra sao, bao giờ trở lại trường.
Do bệnh nghề nghiệp nên tôi đặc biệt chú ý đến chi tiết này. Cuối bản tin là bài hát, mà tôi nhớ nhất câu đại ý: Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống Covid-19. Thảo nào, bà con trong làng lại cập nhật và thông suốt chủ trương như vậy. Chắc vì thế mà suốt hai năm qua, làng tôi không có ca F0 Covid nào, trong cả huyện, cả tỉnh con số mắc cũng vô cùng ít. Tỉnh Thái Bình nằm trong số những tỉnh có số ca F0 Covid ít nhất trong cả nước.
Mùa hè năm nay, tuy được nghỉ hè, nhưng do dịch bùng phát, thực hiện chủ trương tỉnh cách ly với tỉnh, chúng tôi cũng không về thăm quê. Nhưng chúng tôi vẫn nhận được tin từ làng cho biết làng chúng tôi cũng như các làng khác đều thực hiện triệt để chủ trương giãn cách xã hội. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo tăng gia sản xuất. Mọi hoạt động trong làng không ồn ào song cuộc sống của bà con vẫn ổn định, no đủ. Các cấp chính quyền và các nhóm, hội đều vận động ủng hộ vật chất, tinh thần giúp đồng bào miền Nam chống dịch.
Khi tôi viết những dòng này thì nhận được tin đã 14 ngày tỉnh Thái Bình không có ca mắc thứ phát trong cộng đồng, khả năng cao các cháu Học sinh được đón năm học mới tại trường. Ôi, thật vui!
Một hôm, chồng tôi nhận được cú điện thoại bất ngờ từ chú em bên hàng xóm, giọng vô cùng lo lắng: Đi làm đồng về, thấy có mấy người lạ trong vườn nhà tôi, họ leo trèo, hái đi hết tất cả hoa quả trong vườn nhà tôi rồi. Báo gấp để cô chú về xử lý.
Chồng tôi gọi về cho người chị họ mà nhà tôi gửi chìa khóa, nhờ thỉnh thoảng qua lại trông nom. Chị cho biết: Hoa trái trong vườn trĩu quả, đã đến lúc thu hoạch, nên chị đã chủ động gọi người qua hái và gửi thương lái tiêu thụ, đổi được mấy chum thóc cất đây rồi, ít nữa về có cơm gạo mới. Năm nay vụ lúa quê mình bội thu.
Ôi! những con người quê tôi, những con người là cả quê hương!/.