Đến hẹn lại lên, cuối tháng 3, đầu tháng 4 là thời kỳ cao điểm doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2021 và dần phát hành BCTC quý I/2022. Lúc này, doanh nghiệp làm ăn ra sao sẽ được phản ánh trên từng con số cụ thể. Thông thường, những con số trên BCTC sẽ phản ánh "sức khỏe" của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu.
Chuyện… thường niên
Mới đây, CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (mã: CTI) đã công bố BCTC kiểm toán năm 2021 với khá nhiều sự chênh lệch con số trước và sau kiểm toán.
Theo đó, Cường Thuận IDICO ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm 73% so với báo cáo tự lập, xuống còn 3,7 tỷ đồng; lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng do kiểm toán điều chỉnh tăng mức trích lập dự phòng đầu tư vốn vào các công ty con, trong khi trước kiểm toán lãi gần 3 tỷ đồng.
Đây cũng là năm đầu tiên đơn vị báo lỗ kể từ khi niêm yết vào năm 2010. Năm 2021, doanh nghiệp đặt ra kế hoạch doanh thu đạt 981 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 92 tỷ đồng. Như vậy sau 1 năm, tài chính doanh nghiệp chỉ thực hiện được vỏn vẹn 77% chỉ tiêu doanh thu và không có lãi sau thuế.
Tương tự, sau kiểm toán BCTC năm 2021, CTCP Gỗ Trường Thành (mã: TTF) ghi nhận doanh thu giảm 33,1 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chuyển từ lãi 8,8 tỷ đồng sang lỗ 8,7 tỷ đồng.
Với việc ghi nhận lỗ trong năm 2021, tổng lỗ luỹ kế của Gỗ Trường Thành tăng lên 3.052,48 tỷ đồng, tương đương 74,2% vốn điều lệ công ty. Theo ý kiến kiểm toán, khoản lỗ này cùng với việc tổng nợ phải trả ngắn hạn nhóm công ty vượt hơn tổng tài sản ngắn hạn 252,82 tỷ đồng cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.
Đáng chú ý, trước thời điểm BCTC kiểm toán được công bố, cũng là giai đoạn cổ phiếu TTF đạt mức giá đỉnh sau nhiều năm, các cổ đông lớn của doanh nghiệp liên tục có động thái “thoát hàng” với tổng số cổ phiếu lên tới 9,3 triệu đơn vị.
Thực tế, câu chuyện doanh nghiệp thay đổi toàn bộ cục diện BCTC sau kiểm toán không phải câu chuyện hiếm trên thị trường chứng khoán mà tại mùa báo cáo tài chính nào cũng diễn ra.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết, nắm được tâm lý mua bán cổ phiếu và nắm giữ dựa trên nền tảng thông tin công bố của các nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã “lách” bằng cách thời điểm đáng ra phải công bố doanh nghiệp lỗ thì họ lại xử lý một báo cáo có lãi. Khi sự thật được “phơi bày” thì mọi thứ “đã rồi”.
Mất tiền mới là mất thật
Ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, rất khó đoán định, "đánh hơi" được những doanh nghiệp đã "chế biến" các khoản mục trên BCTC, bởi điều này phụ thuộc nhiều vào sức tưởng tượng và trí thông minh của người làm kế toán trong doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà đầu tư cá nhân thì thường không có nguồn lực để kiểm chứng thông tin.
Thậm chí ngay cả đối với BCTC đã kiểm toán vẫn có thể sai sót bởi lẽ trong công tác kiểm toán, kiểm toán viên chỉ chịu trách nhiệm đạt được sự đảm bảo hợp lý của BCTC trên phương diện tổng thể nên không tránh khỏi trường hợp kiểm toán viên không phát hiện được một số sai sót làm ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC .
Do đó, ông Hưng khuyến nghị các nhà đầu tư, khi quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp nào cần xem xét nhiều yếu tố ngoài BCTC như ban lãnh đạo, danh sách cổ đông, lịch sử chi trả cổ tức… trong trường hợp cảm thấy nghi ngờ về tính minh bạch của doanh nghiệp, nhà đầu tư nên bỏ qua.
“Các bạn không nên tiếc bởi cơ hội đầu tư vô vàn, không doanh nghiệp này thì doanh nghiệp khác, chỉ có mất tiền mới là mất thật”, ông Hưng nhận định.
Thực tế, gian lận, sai sót trong báo cáo tài chính đã và đang diễn ra phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Sai phạm này đã được phát hiện ngay cả ở những tập đoàn lớn và các công ty kiểm toán uy tín.
Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có khung hình phạt nặng đối với hành vi làm sai lệch báo cáo tài chính, kể cả phạt tù với cá nhân, hay phạt khoản tiền khổng lồ đối với doanh nghiệp.
Từ đây có thể trả lời cho câu hỏi vì sao việc chênh lệch số liệu BCTC tại Việt Nam lại trở thành “chuyện thường niên”. Chế tài chưa đủ răn đe dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có tâm lý “tặc lưỡi”, người chịu rủi ro cuối cùng là các nhà đầu tư nhỏ lẻ với kiến thức tài chính hạn hẹp.
Do vậy, để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển minh bạch, tin cậy và là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, việc bảo vệ nhà đầu tư chân chính và xử lý các cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính là việc làm hết sức cần thiết.