Aa

Lãi suất 4,8% mua nhà ở xã hội: Đề xuất gửi tiết kiệm 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng

Thứ Năm, 25/08/2016 - 19:02

Ngân hàng chính sách xã hội nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng có thể ở mức 500 nghìn đồng hoặc không quá 1 triệu đồng để phù hợp hơn với khả năng của người vay.

Chiều tối 24/3, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (Horea) vừa gửi kiến nghị đến các sở, ban ngành liên quan để đề cập về việc tổ chức thực hiện chính sách Nhà ở xã hội (NƠXH) sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Cụ thể NHCSXH được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua NƠXH để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định. Có thể hiểu là sau thời gian tối thiểu 12 tháng đã gửi tiết kiệm thì hộ gia đình, cá nhân mới đạt được điều kiện để vay vốn ưu đãi (gửi tiết kiệm trước).

Tuy nhiên, Nghị định 100 của Chính phủ đã quy định: "Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hằng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay". Quy định này có thể hiểu là hộ gia đình, cá nhân phải gửi tiết kiệm kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng (gửi tiết kiệm sau).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để thống nhất tổ chức thực hiện, Horea đưa ra kiến nghị: “Người có nhu cầu mua, thuê mua NƠXH có thể chọn thực hiện việc gửi tiết kiệm hằng tháng kể từ thời điểm hiện nay hoặc có thể chọn gửi tiết kiệm hằng tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng để mua, thuê mua NƠXH. Thời hạn gửi tiết kiệm 12 tháng là đủ điều kiện về việc phải gửi tiết kiệm nếu muốn mua, thuê mua NƠXH".

Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi phải thực hiện gửi tiết kiệm với mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.

Horea cho rằng quy định này sẽ dẫn đến mức gửi tiết kiệm khác nhau do giá mua NƠXH khác nhau. Hơn nữa, trường hợp người gửi tiết kiệm chưa đến lượt được mua NƠXH (do cung không đáp ứng đủ nhu cầu) thì sẽ không xác định được "mức trả nợ hằng tháng" để gửi tiền tiết kiệm.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều thực hiện như nhau.

Ngoài ra, quy định này còn có điểm bất hợp lý là mức gửi tiết kiệm hàng tháng cao, bên cạnh đó người vay còn phải trả lãi vay hàng tháng (được ân hạn gốc một năm trong năm đầu chưa phải trả nợ gốc) và trước đó đã phải trả 20% giá trị hợp đồng mua nhà ở xã hội, thì toàn bộ chi phí hàng tháng sẽ là gánh nặng cho người vay ưu đãi.

Trong trường hợp khách hàng vay 600 triệu đồng với lãi suất 5%/năm trong 15 năm. Nếu mức trả nợ hàng tháng được ân hạn trong năm đầu thì chỉ trả lãi khoảng 2,5 triệu đồngvà mức gửi tiết kiệm là khoảng 2,5 triệu đồng, tổng cộng phải chi khoảng 5 triệu đồng/tháng. Nếu mức trả nợ hàng tháng được tính bao gồm cả trả lãi và nợ gốc thì khoảng 5,8 triệu đồng (trả lãi khoảng 2,5 triệu đồng, trả nợ gốc khoảng 3,3 triệu đồng) nên mức gửi tiết kiệm sẽ lên đến khoảng 5,8 triệu đồng, tổng cộng phải chi khoảng 8,3 triệu đồng/tháng rất nặng cho người vay ưu đãi.

Bên cạnh đó, Horea cũng kiến nghị kiến nghị lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; áp dụng từ ngày 06/06/2016 đến hết ngày 31/12/2016 đối với các tổ chức tín dụng khác đã tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đã cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Về đặt cọc tiền thuê nhà ở xã hội, Hiệp hội kiến nghị quy định khoản tiền đặt cọc này chỉ bằng 1 đến 3 tháng tiền thuê nhà (thay vì mức tối thiểu là 3 tháng tiền thuê nhà ở) để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top