Aa

Lãi suất biến động đa chiều

Thứ Bảy, 24/08/2019 - 17:01

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài tăng mạnh, ngân hàng huy động vốn bằng trái phiếu kỳ hạn 2-15 năm với lãi suất khá thấp, còn doanh nghiệp thì phát hành trái phiếu lãi suất cao...

Số liệu của Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thấy 7 tháng đầu năm 2019, dư nợ cho vay trên địa bàn TP.HCM tăng 7,6%, thấp hơn so với mức tăng huy động vốn là 8,3%. Thế nhưng, nhiều NH vẫn mạnh tay thu hút vốn, khiến lãi suất giữa các NH cao, thấp đan xen.

Cạnh tranh khốc liệt

Từ đầu tháng 8 đến nay, không ít NH quy mô nhỏ tăng thêm lãi suất tiền gửi từ 0,2 - 0,8 điểm %. Cụ thể, nhóm NH này nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 7,2% - 7,5%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng lên 8% - 8,5%/năm. Đặc biệt, một số NH huy động vốn qua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao. 

NH TMCP Bản Việt phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng với lãi suất lần lượt 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10%/năm và 10,2%/năm. Còn chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng do NH TMCP Quốc Tế (VIB) phát hành có lãi suất 9,1%/năm.

Riêng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm 0,1 - 0,2 điểm % nhưng NH này lại tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 6,8%/năm lên 7,8%/năm, lãi suất kỳ 13 tháng lên 8,4%/năm.

Một số NH thương mại tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất đầu vào. Với chương trình khuyến mãi vừa triển khai, NH TMCP An Bình (ABBANK) điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất lên tới 8,5%/năm. Khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lãi suất 7,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng 8,5%/năm. So với mức lãi suất cũ, ABBANK đã tăng lần lượt 0,7 và 0,8 điểm % cho mỗi kỳ hạn.

Ảnh minh họa.

Biểu lãi suất tiền gửi áp dụng từ ngày 22/8 của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng tăng đáng kể. Theo đó, khách hàng gửi dưới 300 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng lãi suất là 7,4%/năm nhưng gửi từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng lãi suất lên tới 7,7%/năm và cao nhất tới 8%/năm với số tiền gửi trên 1 tỷ đồng.

Còn mức lãi suất cao nhất 8,4%/năm, VPBank áp dụng cho người gửi tiết kiệm từ 10 tỷ đồng. Các mức lãi suất này cao hơn 0,2 - 0,4 điểm % so với trước đó…

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), các NH điều chỉnh lãi suất để thu hút khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh trong các tháng cuối năm 2019.

Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng Giám đốc ABBANK, nhận xét lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài tăng thêm, ngoài bổ sung cho nguồn vốn, các NH còn đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn theo đúng quy định.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) nhận định lãi suất tiền gửi NH đang bị lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (DN) cạnh tranh khốc liệt. Bởi từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt DN đã huy động hàng trăm ngàn tỉ đồng bằng trái phiếu, lãi suất 8% - 10%/năm.

 Mặt khác, do một số NH làm môi giới giao dịch nên tính thanh khoản của trái phiếu DN khá tốt. Cứ thế 3 tháng, người mua trái phiếu đã bán ra, thu về lợi nhuận ít nhất 8%/năm, trong khi họ gửi NH kỳ hạn 3 tháng chỉ sinh lời 4% - 5%/năm.

Từ đó, nhiều cá nhân dồn vốn vào trái phiếu DN làm cho tiền gửi từ nhóm khách hàng cá nhân sụt giảm. NH buộc phải tăng lãi suất tiền gửi dài hạn để giữ chân người gửi tiền, kéo nhiều NH khác tăng theo.

Tín hiệu hạ nhiệt

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một số NH thương mại nhận xét thanh khoản không thiếu, thậm chí NH còn đang… thừa tiền nhưng không thể hạ lãi suất đầu vào bởi sức ép cạnh tranh và giữ chân người gửi tiền. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết NH nơi ông làm việc cũng đau đầu vì chuyện không thiếu thanh khoản, thừa vốn nhưng rất khó hạ lãi suất huy động.

Tổng giám đốc một NH cổ phần khác nhìn nhận "lãi suất đang rất phức tạp". Một số NH thiếu thanh khoản cục bộ nên buộc đẩy lãi suất đầu vào lên cao, trong khi NH khác muốn ổn định vốn huy động cũng không thể "đứng ngoài cuộc".

Diễn biến thị trường cho thấy một số NH thương mại tập trung huy động vốn dài hạn bằng trái phiếu với lãi suất khá thấp. Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 7 - 15 năm do NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) phát hành, lãi suất 8% - 8,2%/năm, NH TMCP Á Châu phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 - 3 năm lãi suất 6,7% - 6,75%/năm. 

Còn lãi suất trái phiếu Chính phủ gần đây giảm 0,2 - 0,43 điểm % so với trước đó, lãi suất liên NH biến động quanh mức 3%/năm.

Với diễn biến này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, đánh giá năng lực hoạt động, mức độ uy tín, cơ cấu vốn… của nhiều NH thương mại không đồng đều, từ đó lãi suất huy động tại một số NH có khác biệt.

"Lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp, tỷ giá hối đoái ổn định, nếu Mỹ tiếp tục giảm thêm lãi suất thì NH Nhà nước có thể xem xét để bơm thêm tiền ra thị trường, nhằm hạn chế đà tăng hoặc kéo lãi suất đi xuống", ông Hà cho biết.

Cơ hội giảm lãi suất

Dưới góc nhìn vĩ mô, GS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) đề xuất thời điểm này, Việt Nam cần tính đến cắt giảm lãi suất. Bởi lẽ, các quốc gia như Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Pakistan, Ukraine, Sri Lanka, Chile, Nam Phi… đã giảm lãi suất. 

Thậm chí, dù lãi suất đang ở mức âm nhưng các NH trung ương châu Âu, Nhật Bản vẫn bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Đặc biệt, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa có động thái hỗ trợ lãi suất cho nền kinh tế, hằng tháng PBOC sẽ đưa ra mức lãi suất nhất định. Các NH thương mại căn cứ mức lãi suất này làm cơ sở để thiết lập lãi suất cho vay thỏa thuận.

Với bối cảnh này, nhiều chuyên gia tài chính nhận định lúc này, NH Nhà nước có cơ hội đưa ra chính sách hạ lãi suất. Thông qua công cụ tái cấp vốn, NH Nhà nước có thể bơm tiền cho các NH thương mại với lãi suất tái cấp vốn "mềm" (lãi suất tái cấp vốn hiện nay là 6,25%/năm). Khi đó, các NH thương mại sẽ giảm được chi phí kinh doanh, lãi suất tiền gửi lẫn cho vay sẽ mặc nhiên đi xuống.

Lãi vay vẫn ổn định

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, lãi suất huy động của khối NH thương mại cổ phần, nhất là nhóm NH quy mô vừa và nhỏ tăng cao ở kỳ hạn trung dài hạn chủ yếu do phải chuẩn bị nguồn vốn để bảo đảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình.

Đồng thời, NH chuẩn bị nguồn để đáp ứng nhu cầu giải ngân tín dụng dự kiến sẽ tăng cao giai đoạn cuối năm theo chu kỳ. Một số NH tăng huy động thông qua phát hành trái phiếu để tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng yêu cầu an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II từ năm 2020.

Dù vậy, lãi suất cho vay cơ bản ổn định do các tổ chức tín dụng nghiêm túc tuân thủ định hướng chỉ đạo ổn định mặt bằng lãi suất. Dự báo từ nay đến hết năm, lãi suất huy động sẽ còn một số đợt tăng nhẹ, song lãi suất đầu ra duy trì ổn định - nhóm chuyên gia này dự báo.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top