Aa

Lãi suất cho vay giảm chậm?

Thứ Tư, 27/01/2021 - 13:30

Dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng các ngân hàng vẫn thu lãi khủng mà nguyên nhân chủ yếu do lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, đặc biệt ở nhóm ngân hàng CP tư nhân.

Lãi biên vẫn cao

Báo cáo tài chính của hầu hết các ngân hàng đều cho thấy bức tranh kinh doanh kinh doanh khá khả quan trong năm qua, trong đó thu nhập lãi thuần đều tăng trưởng so với năm trước.

Dẫn đầu về lợi nhuận vẫn phải kể đến Vietcombank khi nhà băng này thu về tới 23.044 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm qua, chỉ giảm 78 tỷ đồng so với năm trước; trong đó thu nhập lãi thuần đạt tới 36.225 tỷ đồng, tăng gần 1.650 tỷ đồng so với năm trước. Với tổng dư nợ cho vay khách hàng và các tổ chức tín dụng khác đạt khoảng 904.044 tỷ đồng, tính ra một đồng vốn của Vietcombank thu về tỷ suất lợi nhuận ròng khoảng 4%, chỉ giảm nhẹ một chút so với mức 4,3% của năm 2019.

VietinBank là một trong những ngân hàng công bố lãi cao năm 2020

Đáng chú ý là thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng cổ phần tư nhân có bước tăng trưởng rất mạnh, đóng góp một tỷ trọng rất lớn vào nhuận chung. Đơn cử như MB, thu nhập lãi tuần của nhà băng này tăng tới 12,7% trong năm qua lên 20.278 tỷ đồng; qua đó giúp lợi nhuận trước thuế đạt 10.688 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019. Nguyên nhân khiến thu nhập lãi thuần của MB tăng mạnh là do tín dụng tăng cao (18,8%) trong khi lãi biên (NIM) cũng đạt tới 6,8%.

Thậm chí NIM của Sacombank còn tăng so với năm trước, cộng thêm tín dụng cũng tăng tới 14,9%, qua đó giúp thu nhập lãi thuần tăng tới 25,6% lên 11.527 tỷ đồng, cho dù lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 3,7% so với năm trước lên 3.339 tỷ đồng.

Kết quả khảo sát mới đây do Vụ Dự báo Thống kê thuộc NHNN Việt Nam thực hiện cũng cho thấy, có tới 62% các tổ chức tín dụng nhận định, tình hình kinh doanh trong quý IV/2020 đã có những khởi sắc sau 3 quý đầu năm chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.

Lãi suất cho vay giảm chậm hơn huy động

Trong một báo cáo vừa được công bố mới đây, FiinGroup cũng cho biết, NIM của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý II/2020 lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý 1/2018 - giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.

Lãi suất huy động xuống rất thấp và chưa có dấu hiệu áp lực để thay đổi nhưng lãi vay lại thay đổi chậm hơn khiến ngân hàng lãi đậm (nguồn TK: VBSC)

Theo FiinGroup, trong quý III/2020 lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng niêm yết (trừ Ngân hàng Bảo Việt) tăng lên 9,2% từ mức 9% của quý II/2020. Thu nhập lãi cho vay khách hàng của 20 ngân hàng này cũng tăng 5,2% trong khi thu nhập lãi từ chứng khoán nợ chỉ tăng 0,8% so với quý II/2020. Điều này cho thấy tăng trưởng NIM và thu nhập lãi thuần phần lớn đến từ cho vay khách hàng.

“Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so với quý II/2020 trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%. Điều này cho thấy lãi suất cho vay của các nhà băng chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong thời gian vừa qua”, Fiin Group nhận định.

Tổ chức này cũng dự báo NIM của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao như quý III/2020 do lãi suất huy động tiếp tục giảm.

Thống kê của NHNN cũng cho thấy rõ điều đó. Cụ thể, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2 - 3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0 - 6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6 - 6,8%/năm. Các mức lãi suất này đều giảm khá mạnh so với thời điểm cách đây 1 năm, trong đó giảm mạnh nhất là tại các kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm với mức giảm lên tới 1 - 1,5%/năm.

Trong khi đó về lãi suất cho vay, xu hướng giảm rõ rệt nhất là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên do phải chịu trần lãi suất của NHNN hiện là 4,5%/năm, thấp hơn so với giai đoạn đầu năm là 1,5%.

Trong khi lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác đã lâu rồi không thấy nhà điều hành thống kê, trong khi lần công bố gần đây nhất thì mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Điều đó cũng cho thấy, dư địa giảm lãi suất cho vay của các nhà băng vẫn còn khá lớn. Kết quả cuộc điều tra của Vụ Dự báo Thống kê NHNN cũng cho thấy, các TCTD nhận định mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong quý I/2021, với mức giảm bình quân kỳ vọng là 0,05 - 0,16 điểm phần trăm so với cuối năm 2020.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top