Các ngân hàng đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh 2020 với lợi nhuận tích cực và nợ xấu “khá đẹp”. Nhiều nhà băng cũng công bố các chỉ tiêu thể hiện chất lượng tài sản tốt và đã có tinh thần sẵn sàng ứng phó với nợ xấu tương lai thông qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng cao.
PV: Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh doanh của ngành có vẻ tích cực này, thưa Tiến sĩ?
TS. Cấn Văn Lực: Năm vừa rồi như chúng ta đều biết, do COVID-19, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ vay mà không phải chuyển nhóm nợ cũng như chưa phải trích lập dự phòng rủi ro. Do đó, điều này ảnh hưởng rất ít đến lợi nhuận của các ngân hàng năm 2020. Và vì thế công bố lợi nhuận của các ngân hàng tương đối tích cực.
Tuy nhiên, tính bình quân lợi nhuận của các ngân hàng chỉ tăng khoảng 10% so với năm 2019. Đây dù sao cũng là mức thấp so với các năm trước lợi nhuận của các ngân hàng đều tăng khoảng 20 - 25% so với cùng kỳ. Chính vì vậy năm nay 2021, dự báo theo tinh thần của Thông tư 01 sắp sửa đổi, thì: 1, Hệ thống ngân hàng sẽ có thời điểm sẽ phải tiến hành chuyển nhóm nợ để đánh giá thực chất hơn; 2, Phải tiến hành trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu lại đó với lộ trình dự kiến 3 năm.
Vậy 2021 một mặt nợ xấu tăng lên; cũng chính vì nợ xấu tăng lên mà yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Cũng theo tinh thần Thông tư 01, lợi nhuận năm nay sẽ thấp hơn, may ra thì mức tăng bằng năm 2020 tức khoảng từ 8% - 10%.
PV: Nhiều dự báo về nợ xấu ngân hàng năm 2021, dường như cũng bắt tín hiệu và nhận định tích cực hơn so với các quan ngại trước đó...
TS. Cấn Văn Lực: Trước hết, theo thống kê phần nợ cơ cấu lại của hệ thống ngân hàng năm 2020 ước khoảng gần 350.000 tỷ đồng. Trong đó, ước tính khoảng 1/3 hoặc xấu nhất một nửa số nợ cơ cấu đó phải chuyển thành nợ xấu. Như vậy hệ thống ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cho phần nợ xấu đó, tức tương đương mức tăng thêm từ 1 - 1,5%. Hình dung năm 2020 hệ thống ngân hàng có khoảng 2% nợ xấu nội bảng thì nợ xấu nội bảng năm 2021 có thể sẽ khoảng 3 - 3,5%. Còn số tiền, số liệu cụ thể trích lập như thế nào còn tùy thuộc vào bản chất, thực chất của khoản nợ xấu đó, cũng như tùy thuộc vào năng lực tài chính của tổ chức tín dụng.
PV: Theo Thông tư 01 sắp sửa đổi, việc xử lý nợ xấu thông qua giãn trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu của các TCTD dự kiến có thể trong 3 năm. Vậy việc xử lý nợ xấu của hệ thống 3 năm từ 2021 - 2023, so với xử lý nợ xấu theo đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”, theo ông lúc này có thuận lợi hay khó khăn hơn, thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Thứ nhất, ở thời điểm trước đây quy mô nợ xấu lớn hơn nhiều so với hiện nay. Thứ hai, nợ xấu khi đó cũng xấu hơn so với nợ xấu ở thời điểm hiện nay (hoặc khi chuyển nợ trong nay mai -PV) do nền kinh tế đã có một giai đoạn tăng trưởng quá nóng và sau đó theo chiều khó khăn, cộng với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Còn lần này dù sao cũng chỉ là cú sốc ngắn hạn. Thứ ba, ở thời điểm hiện nay, tiềm lực, năng lực, nhất là nguồn lực tài chính của các ngân hàng đã mạnh lên rất nhiều.
Bên cạnh đó, những văn bản quy định pháp lý để xử lý nợ xấu như Nghị quyết 42 đã được triển khai 3 năm qua, mặc dù còn có một số vướng mắc, sẽ được tháo gỡ tới đây, cũng sẽ hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu này.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!