Cụ thể, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2017 là 4,8%/năm (0,4%/tháng).
Theo quy định, định kỳ hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện sơ kết, đánh giá; đề xuất, kiến nghị điều chỉnh lãi suất cho phù hợp.
Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trong các đối tượng được vay ưu đãi nhà ở xã hội, đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, so với năm 2016 thì mức lãi suất năm nay không có gì thay đổi.
Mức cho vay đối với xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư dự án và không vượt quá 80% giá trị tài sản bảo đảm. Thời gian cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không qua 20 năm kế từ ngày giải ngân khoản đầu tiên.
Còn đối với mục đích cho thuê mua, bán thì mức cho vay tối đa chỉ ở mức 70% tổng mức đầu tư và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm. Thời hạn cho vay đối với mục đích cho thuê mua là từ 10 năm đến 15 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Riêng đối với dự án để bán thì thời gian cho vay chỉ từ 5 - 10 năm.
Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay thời hạn thấp hợp thời gian cho vay tối thiểu thì được thoả thuận với ngân hàng.
Đối tượng áp dụng bao gồm: tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo dự án; Hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.
Đồng thời áp dụng đối với các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác có liên quan đến lĩnh vực phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư được huy động từ các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, quỹ phát triển nhà ở của địa phương,… vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và các nguồn vốn vay khác.