Aa

Lãi suất có dấu hiệu tăng, hàng loạt kênh đầu tư lao dốc

Thứ Ba, 09/03/2021 - 13:43

Thị trường chứng khoán, vàng, tiền ảo đồng loạt lao dốc khi lãi suất có dấu hiệu nóng lên cùng lạm phát.

Lãi suất sắp tăng, chứng khoán và vàng tiếp tục giảm?

Cuối tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lên tới gần 1,56%/năm, bằng lợi suất đầu năm 2020, tăng gần 38% so với đầu năm nay và tăng gần 200% so với mức đáy tháng 8/2020.

Mặc dù lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh, song trong bình luận vừa đưa ra, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell chỉ cảnh báo về rủi ro lạm phát, mà không hề tỏ ra lo ngại hay có động thái nào về “ghìm” lợi suất trái phiếu chính phủ, khiến nhà đầu tư hoảng loạn, đổ xổ bán cổ phiếu. Chỉ số Nasdaq và SP500 rơi mạnh.

Lãi suất được dự báo có thể tăng lên, tạo thêm sức hấp dẫn cho tiền gửi ngân hàng
Lãi suất được dự báo có thể tăng lên, tạo thêm sức hấp dẫn cho tiền gửi ngân hàng. (Ảnh: Đ.T)

Không chỉ thị trường chứng khoán, các kênh đầu tư khác như vàng, tiền ảo cũng lao dốc mạnh.

Cụ thể, trên thị trường thế giới, giá vàng cuối tuần qua đã xuyên thủng mốc 1.700 USD/oz và chưa có dấu hiệu hồi phục. Thị trường tiền ảo cũng phải đối phó với lực bán mạnh, giá trị vốn hóa bốc hơi hàng trăm tỷ USD.

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, vàng và chứng khoán cũng đồng loạt lao dốc, trong khi lãi suất có khả năng sẽ tăng. Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Sức ép của lạm phát và lãi suất trên thế giới cùng với dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, giá vật tư, nguyên liệu tăng, cầu tiêu dùng tăng lên… sẽ đẩy lạm phát tăng. Điều này khiến lãi suất trong nước có thể tăng thêm 0,25%, bắt đầu từ cuối tháng 3/2021”.

Nguy cơ lãi suất tăng cùng với kiến nghị tăng lô giao dịch, cấm hủy lệnh, sửa lệnh… của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM khiến thị trường bi quan. Hơn nữa, thị trường chứng khoán tăng nóng thời gian qua, trong khi kinh tế chưa phục hồi vững, cũng làm thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích: “Lãi suất giảm sâu và thị trường chứng khoán quốc tế tăng điểm, khiến VN-Index tăng mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tăng mạnh trong khi sức khỏe cơ bản của nền kinh tế chưa được phục hồi cho thấy thị trường có yếu tố đầu cơ. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán chưa thể tăng trưởng ổn định”.

Riêng với vàng, chuyên gia này cho rằng, đầu tư vào vàng giai đoạn này khá nguy hiểm vì giá vàng đang có nguy cơ giảm tiếp.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia đầu tư cho rằng, giá vàng quá cao so với giá thế giới (cao hơn 8 - 9 triệu đồng/lượng) và đang trong xu hướng giảm do dòng tiền bị đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán, tiền kỹ thuật số..., khiến đầu tư vàng thời điểm này không phải là lựa chọn tốt. Lợi suất trái phiếu Mỹ và USD tăng mạnh, cộng với các quỹ ETF đang đẩy mạnh bán vàng càng làm tương lai của vàng thêm mịt mờ.

Kênh đầu tư nào tốt nhất năm 2021?

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trong giỏ đầu tư của mình, nhà đầu tư nên giữ lại một phần tiền mặt (gửi tiết kiệm). Trong các kênh đầu tư còn lại, vàng và ngoại tệ không nên bỏ vốn. Hai kênh đầu tư được chuyên gia này khuyến nghị là bất động sản và chứng khoán.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng nhận định khả quan về thị trường bất động sản. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, sức cầu hồi phục thị trường bất động sản tương đương 70% của năm 2019.

Cũng theo chuyên gia này, giá bất động sản năm 2021 sẽ tăng 10%. Triển vọng khả quan của nền kinh tế, vắc-xin phòng Covid-19 bắt đầu được tiêm chủng rộng rãi, dịch bệnh từng bước được khống chế, nhiều khó khăn pháp lý của thị trường bất động sản được tháo gỡ… là những thông tin tích cực cho thị trường này.

Tuy vậy, theo ông Phan Dũng Khánh, việc lựa chọn kênh đầu tư phụ thuộc hoàn toàn vào khẩu vị của các nhà đầu tư. Với những nhà đầu tư ưa thích khẩu vị an toàn, có thể lựa chọn các kênh đầu tư trái phiếu chính phủ, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm… Các nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể lựa chọn kênh đầu tư chứng khoán, vàng, bất động sản.

Trong các kênh đầu tư chính thống đó, ông Khánh cho rằng, thị trường bất động sản có khả năng sinh lời tốt, nhưng cần vốn lớn, thời gian chờ đợi lâu hơn, trong khi thị trường chứng khoán có khả năng sinh lời không thua kém mà thời gian lại ngắn hơn rất nhiều. Vì vậy, chứng khoán là kênh đầu tư vừa linh hoạt, vừa mang lại lợi nhuận tốt trong năm 2021. Song, theo ông Khánh, thị trường chứng khoán năm 2021 khó có thể tăng trưởng như năm 2020, do thanh khoản kém hơn, nhà đầu tư lớn vẫn chưa vào cuộc.

Một kênh đầu tư nữa mà nhiều nhà đầu tư lựa chọn hiện nay là tiền kỹ thuật số. Xét về tỷ suất sinh lời thì tiền kỹ thuật số là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận hàng đầu. Tuy nhiên, đây là kênh đầu tư có mức biến động dữ dội, nguy cơ thua lỗ là rất lớn. Chưa kể, kênh đầu tư này không được luật pháp thừa nhận, nên nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu mọi rủi ro.

Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng chưa thể đẩy lãi suất, lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới phục hồi, nền kinh tế Việt Nam bị rơi vào tình trạng “hâm nóng quá mức”, thì lãi suất sẽ tăng trở lại, song theo tôi, phải đến năm 2022, lãi suất mới tăng.

Trong các kênh đầu tư hiện nay, đầu tư vào ngoại tệ và vàng không có lợi do giá vàng khả năng còn đi xuống, trong khi ngoại tệ cơ bản vẫn tiếp tục ổn định.

Trong ba kênh đầu tư còn lại (bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm), nhà đầu tư nên dành một phần gửi tiết kiệm để đảm bảo an toàn, còn lại nên phân bổ vốn tùy theo khẩu vị rủi ro cũng như khả năng am hiểu thị trường của mình.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top