Aa

Lãi suất điều hành giảm có là lực đẩy tăng tỷ giá cuối năm?

Thứ Hai, 23/09/2019 - 06:16

Làn sóng hạ lãi suất đã lan rộng, song NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng với mục tiêu ưu tiên là ổn định lạm phát, tỷ giá… Đến nay, diễn biến thị trường cho thấy NHNN đã khá thành công.

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ngày càng căng thẳng đã làm đảo ngược chính sách điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các đợt nâng lãi suất chấm dứt và lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, cơ quan này đã 2 lần hạ lãi suất kể từ đầu 2019 và để ngỏ một đợt giảm khác trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng liên tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (4 lần trong năm 2018 và 3 lần từ đầu 2019 đến nay), điều chỉnh cơ chế để tăng hiệu lực điều hành lãi suất và hạ giá nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Cùng với đó là một loạt bất ổn tại các đầu tàu kinh tế khắp các châu lục như Ðức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Argentina… dẫn tới giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Khác với sự phân hóa trong hướng điều chỉnh lãi suất năm 2018, kể từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm lãi suất có sự đồng thuận khá cao khi số lần giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới ngày càng gia tăng, hiện tại đã là 93 đợt điều chỉnh giảm, trong khi chỉ có 9 đợt điều chỉnh tăng.

Làn sóng hạ lãi suất đã lan rộng, song Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng với mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá…) và cho đến nay, diễn biến thị trường cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã khá thành công với biến số này.

Nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào là yếu tố thuận lợi để góp phần ổn định tỷ giá những tháng cuối năm

Dẫu vậy, ngày 12/9/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1870/QÐ-NHNN về việc điều chỉnh giảm một loạt lãi suất điều hành ở mức 25 điểm cơ bản, có hiệu lực từ ngày 16/9/2019.

Quyết định giảm lãi suất đưa đến quan ngại về việc có thể làm tăng lạm phát, bởi khi lãi suất hạ sẽ khuyến khích người dân đi vay, đẩy tiền vào lưu thông. Bên cạnh đó, lãi suất giảm sẽ hạ giá trị tiền đồng, theo đó có thể là lực đẩy tăng tỷ giá lên.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Ngô Ðăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC Việt Nam nói:

“Việc Ngân hàng Nhà nước chủ động cắt giảm lãi suât điều hành trong thời điểm này là bước đi thận trọng cần thiết để đảm bảo đà tăng trưởng kinh tế được duy trì và tạo điều kiện tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trong nước khi đứng trước những bất ổn từ kinh tế thế giới, đồng thời không tạo áp lực lớn lên lạm phát và tỷ giá”.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, trong khi các đồng tiền chủ chốt đều biến động mạnh, có đồng tiền mất giá tới 9% như đồng tiền Thụy Ðiển (SEK), đồng tiền Hàn Quốc (KRW)…, nhưng cũng có đồng tiền lên giá 5 - 6% như đồng tiền Nga (RUB), đồng tiền Thái Lan (THB)... so với USD và VND trở thành một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định với đồng tiền này.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, VND có một lần “tạo sóng” từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5, nhưng mức tỷ giá mua vào của ngân hàng ở đỉnh sóng cũng chỉ tăng 0,84% so với cuối năm 2018, ở mức 23.360 VND/USD, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt.

Ngay cả khi áp lực lớn và đột ngột đến từ tỷ giá USD/CNY vượt qua ngưỡng 7.0 và CNY liên tục giảm giá, mức giảm lên tới gần 4% chỉ trong tháng 8/2019, VND vẫn đi ngang, thậm chí còn giảm và hiện ở mức thấp hơn cuối năm 2018 là 0,06%.

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp VIB cho biết, sau 2 đợt mua vào ngoại tệ rất lớn trong 4 tháng đầu năm với 8,35 tỷ USD, ước nâng dự trữ ngoại hối lên 66 tỷ USD và từ tháng 7 đến nay, dự trữ ngoại hối hiện đã ở mức cao kỷ lục, ước tính hơn 71 tỷ USD.

Ðáng chú ý, tháng 8, Ngân hàng Nhà nước mua được hơn 1 tỷ USD từ các ngân hàng thương mại, nhưng chỉ trong 2 tuần đầu tháng 9 đã mua vào hơn 2 tỷ USD để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước.

Bổ sung thêm thông tin, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, tỷ giá USD/VND đã duy trì trạng thái ổn định quanh mức giá mua trong khoảng 1 tháng trở lại đây trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua vào được 4,6 tỷ USD trong quý III/2019 và lũy kế cả năm mua được hơn 12,5 tỷ USD. Số liệu tính đến cuối năm 2018, dự trữ ngoại hối ở quanh mức 59 tỷ USD sau hàng loạt động thái bán ngoại tệ để bình ổn thị trường ngoại hối của nhà điều hành.

“Bên cạnh kinh nghiệm điều hành, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào là yếu tố thuận lợi để góp phần ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm”, vị lãnh đạo VIB nói.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang diễn biến thuận lợi.

Cán cân thương mại tháng 8 thặng dư 3,43 tỷ USD, là mức thặng dư kỷ lục tính theo tháng trong nhiều năm trở lại đây.

Lũy kế 8 tháng năm 2019, cán cân thương mại thặng dư 5,1 tỷ USD. Dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân vẫn tăng đều, đến hết tháng 8 có 11,96 tỷ USD vốn FDI giải ngân ( tăng 6,3% so với cùng kỳ); dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng khá tích cực với các thương vụ bán vốn cổ phần lớn của Vietcombank, Vingroup… và các đợt vay vốn quốc tế của Vinmec, VPBank...; cán cân tổng thể thặng dư 9,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019.

Ðặc biệt, một dòng vốn lớn sẽ về trong thời gian cuối năm nay đến từ nguồn kiều hối và thương vụ BIDV bán hơn 603,3 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn điều lệ cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với giá trị trên 20.295 tỷ đồng.

“Thanh khoản thị trường tiền tệ cũng có xu hướng ổn định hơn. Mặt bằng lãi suất VND đã giảm từ mức 4,3 - 4,5%/năm đầu tháng về sát mức 2,8-3%/năm, tương đương với mức lãi suất tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ giá USD/VND dự kiến vẫn duy trì ổn định trong bối cảnh nguồn cung duy trì dồi dào, dao động trong khoảng 23.200 - 23.230 VND/USD”, vị lãnh đạo cao cấp BIDV dự báo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top