Aa

Lãi suất điều hành tăng, áp lực đè nặng lên tỷ giá

Thứ Hai, 26/09/2022 - 06:18

NHNN vừa điều chỉnh loạt lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi. Điều này sẽ khiến các ngân hàng trong nước tăng lãi suất trong bối cảnh áp lực đang đè nặng lên tỷ giá VND/USD.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 22/9 đã tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn. Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 23/9/2022.

Theo đó, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5% một năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm. Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2% lên 0,5% một năm.

Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5% một năm và 3,5% một năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các tổ chức tín dụng tăng từ 5% lên 6% một năm.

Ngân hàng Nhà nước vừa tăng trần lãi suất huy động. (Ảnh minh họa: KT)

Động thái tăng lãi suất điều hành Ngân hàng Nhà nước (mức điều chỉnh đầu tiên sau 2 năm) nhằm đối phó với những tác động từ thị trường thế giới, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nhằm lần thứ 3 liên tiếp để hạ nhiệt lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới. Việc NHNN tăng loạt lãi suất điều hành phát ra thông điệp nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại không còn rẻ cũng như hạn chế thanh khoản tiền đồng trên thị trường.

Trong khi tác động của việc tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu là không đáng kể, việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.

Trần huy động được nâng lên cho phép các nhà băng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Điều đó cũng đồng nghĩa tăng chi phí đầu vào của giới nhà băng, qua đó, có thể khiến lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay tăng theo.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng thương mại phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm biên lợi nhuận để giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Theo bản tin cập nhật vĩ mô “Tăng lãi suất điều hành và những tác động lên dự báo vĩ mô” của CTCK VNDIRECT, hành động tăng lãi suất điều hành của NHNN là tương đối quyết liệt và kịp thời.

Sau đợt tăng lãi suất lần này, VNDIRECT cho rằng ít có khả năng thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022. Mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30 - 50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022.

Về tỷ giá hối đoái, bản tin của VNDIRECT cho rằng, tỷ giá vẫn chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Dự báo tỷ giá USD/VND có thể mất giá khoảng 3,5 - 4% so với đồng USD trong năm 2022.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, TS. Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định việc FED liên tục tăng lãi suất là một thách thức lớn cho Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao ở nhiều quốc gia dễ tác động đến Việt Nam.

Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam hạ thấp cũng khiến dòng vốn quốc tế tại Việt Nam có nguy cơ bị đảo ngược, đặc biệt là vốn trên thị trường tài chính. Nếu điều đó xảy ra càng gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái trong nước. Về cơ bản, FED tăng lãi suất nhằm làm giảm tổng cầu để hạ nhiệt lạm phát đang ở đỉnh cao. Song, theo TS. Lê Đạt Chí, nguyên nhân của lạm phát còn có việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và sau đó bị tác động tiếp do xung đột quân sự Nga - Ukraine, từ đó đẩy giá năng lượng và lương thực nhảy vọt. Dù vậy, lạm phát chỉ tác động thấp tới khu vực châu Á.

Ngày 22/9/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 1607 /QĐ-NHNN tăng mức lãi suất (LS) tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 0,2% lên 0,5%/năm. Mức LS tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức LS tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm (mức cũ là 4,5%/năm)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top