Aa

Lãi suất điều hành và xu hướng tỷ giá năm 2023 sẽ ra sao?

Thứ Ba, 10/01/2023 - 05:45

Các dự báo đưa ra từ các tổ chức kinh tế - tài chính, khả năng lãi suất điều hành sẽ được Ngân hàng Nhà nước tăng thêm trong nửa đầu năm 2023 và tỷ giá sẽ giảm nhiệt.

Chu kỳ tăng lãi suất sẽ tiếp tục nửa đầu 2023

Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản vào quý I/2023, sau đó giữ nguyên đến cuối 2024 nhằm duy trì sự ổn định.

Cụ thể, trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024, tiếp nối đà hồi phục tăng trưởng 8% của năm 2022.

“Chúng tôi vẫn tin vào tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong trung hạn”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ.

Các chỉ số vĩ mô tuy có chậm lại trong quý IV/2022, song vẫn duy trì mạnh mẽ. Doanh số bán lẻ tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2022 cho thấy sự cải thiện của hoạt động trong nước. 

Theo các chuyên gia Standard Chartered, cán cân thương mai có thể được cải thiện; xuất khẩu có thể sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu; nhập khẩu có nguy cơ giảm. Vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng, nhưng triển vọng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát có thể là mối đe dọa đối với sự phục hồi liên tục của Việt Nam.

Còn các chuyên gia của HSBC đưa ra nhận định, lạm phát lõi tăng, giá nguyên liệu thô cũng tăng, chu kỳ tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục. HSBC dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 50 điểm cơ sở trong quý I/2023 và quý II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023.

Trong báo cáo vừa công bố mới đây, HSBC cho biết trong khi lạm phát chính của năm đã tương đối thấp ở mức 3,2%, Việt Nam tiếp tục chứng kiến áp lực lạm phát mạnh lên. Tháng 12 là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát vượt mức trần 4% của NHNN Việt Nam.

"Không chỉ lạm phát cơ bản tăng lên 5% so với cùng kỳ năm trước mà Việt Nam còn chứng kiến giá nguyên liệu thô tăng lên. Điều này có nghĩa là NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt", HSBC cho biết. Là ngân hàng trung ương cuối cùng ở ASEAN có động thái điều chỉnh, NHNN Việt Nam đã chủ động bắt kịp xu hướng chung, tăng lãi suất 200 điểm cơ sở trong năm 2022.

Trong khi HSBC kỳ vọng, NHNN thắt chặt tiền tệ chậm lại khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ giảm tốc và biến động ngoại tệ được xoa dịu, chu kỳ tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục. Khối phân tích HSBC dự báo, NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 50 điểm cơ sở trong quý I/2023 và quý II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023.

UOB dự báo, khả năng NHNN thực hiện một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản khác vào đầu năm 2023 và có thể tạm ngừng từ đó, phù hợp với quan điểm của UOB về quỹ đạo chính sách của Fed.

Tỷ giá sẽ bớt áp lực trong năm nay

VND đã chịu áp lực giảm giá lớn trước USD mạnh, khiến tài khoản vãng lai suy yếu và làm suy giảm lợi thế về chênh lệch lợi suất. Để bảo vệ đồng nội tệ, các nhà chức trách đã bán bớt ngoại tệ dự trữ, dự trữ ngoại tệ vốn đã giảm mạnh 20% tính tới quý III/2022 so với thời điểm đạt đỉnh vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD gần đây cùng với thanh khoản USD được cải thiện đã giúp đồng VND bớt áp lực hơn một chút. Mặc dù vậy, HSBC nhận định việc tăng giá đồng VND nhiều khả năng sẽ là một quá trình từ từ từng bước một.

Standard Chartered đưa ra nhận định, lạm phát được dự đoán sẽ tăng trong suốt cả năm 2023, đạt khoảng 6% vào những tháng cuối năm và trung bình 5,5% trong cả năm 2023 và 2024 (so với mức 3,2% năm 2022). Thâm hụt tài khóa của Việt Nam có thể kéo dài và là nguồn gốc của lạm phát.

VND đã phục hồi mạnh trong những tuần gần đây, tuy nhiên, tốc độ tăng giá của VND có thể sẽ chậm lại do ảnh hưởng của nhiều khó khăn còn hiện hữu. Việc bổ sung dự trữ ngoại hối có thể sẽ là ưu tiên chính của Ngân hàng Nhà nước.

Sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi du lịch có thể sẽ hỗ trợ cho VND. Tỷ giá USD-VND được dự báo đạt 23.400 vào cuối năm 2023 và 23.000 vào cuối năm 2024. 

“NHNN sẽ tiếp tục thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng Việt Nam (VND) và rủi ro bất ổn tài chính phát sinh từ các khoản cho vay rủi ro trong lĩnh vực bất động sản. NHNN có thể ưu tiên giữ ổn định VND, miễn là nó không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thương mại”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết thêm.

Theo UOB, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 cho thấy sự bền bỉ cùng với khả năng phục hồi của Việt Nam sau những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, đặc biệt là vào cuối năm 2021, phần lớn nhờ vào các lĩnh vực kinh tế đa dạng trong ngành sản xuất và dịch vụ.

Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ khó có thể bền vững và động lực tăng trưởng về tổng thể có thể sẽ suy giảm hơn nữa vào năm 2023, do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là từ Hoa Kỳ và châu Âu, chiếm 41% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

“Thêm vào đó, NHNN cũng đã thắt chặt chính sách trước áp lực lạm phát và đồng VND suy yếu, mặc dù nhu cầu trong nước có thể sẽ dẫn dắt tăng trưởng vào năm 2023 với thu nhập gia tăng và triển vọng kinh doanh được cải thiện. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%, phù hợp với dự báo chính thức là 6,5%”, báo cáo của UOB nhận định.

Với tỷ lệ lạm phát có khả năng duy trì ổn định, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, UOB nhận định, NHNN dự kiến ​​sẽ cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Cuối tháng 12, NHNN cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ “một cách linh hoạt” để giữ lạm phát ở mức 4,5% vào năm 2023, nhằm “ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”.

Được biết, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, NHNN đã thực hiện một loạt chính sách điều hành trước sự quyết liệt của Fed, sức mạnh của đồng USD và áp lực lạm phát.

Cụ thể, NHNN đã tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm cơ bản vào ngày 22/9, sau đó ngày 24/10 tiếp tục tăng 100 điểm cơ bản. Giữa 2 kỳ tăng lãi suất này, vào ngày 17/10, NHNN đã công bố mở rộng biên độ giao dịch USD/VND từ +/-3% lên +/-5%, để cho phép VND linh hoạt hơn trong bối cảnh đồng USD mạnh lên.

Cũng trong diễn biến có liên quan, đồng Việt Nam đã tăng trở lại từ mức 24.500 đồng/USD hồi đầu tháng 12/2022 lên mức hiện tại khoảng 23.630 đồng/USD.

Động thái này trùng hợp với sự phục hồi của đồng CNY khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiềm chế COVID-19 và bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế từ đầu năm 2023. Cùng với việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, UOB cho rằng, không có gì ngạc nhiên khi VND có mối tương quan chặt chẽ với CNY.

UOB dự báo, đà tăng của USD/VND sẽ đạt mức 25.200 trong quý I/2023, 25.400 trong quý II/2023, 25.600 trong quý III/2023 và 25.800 trong quý IV/2023./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top