Cụ thể, tại VietCapital Bank, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng cá nhân được ghi nhận giảm tại hầu hết kỳ hạn, nằm trong khoảng 6 - 9%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 1 - 60 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ. So với tháng 12/2022, lãi suất kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng được điều chỉnh giảm lần lượt 0,2 điểm % và 0,4 điểm %, được niêm yết cùng mức là 8,4%. Đồng thời, nhà băng này cũng triển khai mức giảm 0,4 điểm % với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng và 0,5 điểm % với các kỳ hạn 10-11 tháng về mức 8,6%/năm.
Sau thời gian liên tục tăng, bước sang đầu năm 2023, lãi suất huy động tiền gửi tại DongA Bank cũng đã điều chỉnh giảm tại nhiều kỳ hạn. Khảo sát cho thấy, lãi suất áp dụng cho khách hàng cá nhân có khoản tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ tại kỳ hạn 1 - 36 tháng nằm trong khoảng từ 6%/năm đến 9,5%/năm. So với tháng trước, ngân hàng này đã giảm 0,25 - 0,35% tại các kỳ hạn 13 - 36 tháng và giữ nguyên ở các kỳ hạn còn lại.
Tại các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Agribank, theo ghi nhận, lãi suất huy động trong những ngày đầu tiên của năm mới 2023 vẫn ổn định so với trước nghỉ lễ. Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho các kỳ hạn từ 6, 9, 12, 24 tháng dao động từ 6,0-7,4%/năm. Hiện tại, mức lãi suất huy động cao nhất được các ngân hàng này niêm yết là 7,4%/năm.
Có thể thấy, trong tháng cuối năm 2022 và những ngày đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất đã giảm nhiệt sau lời kêu gọi giảm lãi suất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Theo đó, các ngân hàng đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất), cùng với đó, các ngân hàng cũng cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nắm bắt tốt hơn các cơ hội kinh doanh.
Các chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo, bước sang năm 2023, “cơn lốc” tăng lãi suất của các NHTW toàn cầu được kỳ vọng sẽ tạm lắng, với triển vọng các bước tăng thấp hơn và mức độ dự đoán tốt hơn. Trên cơ sở định hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, VDSC dự báo NHNN sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023. Còn ở góc độ các NHTM, VDSC dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục có sự phân hóa do cạnh tranh lãi suất giữa các NHTMCP để giải quyết vấn đề thanh khoản; cạnh tranh thu hút tiền gửi trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi đang dịch chuyển và người gửi tiền đã quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu ngân hàng nên chấp nhận gửi nơi có lãi suất thấp hơn để hạn chế rủi ro.
“Tiền gửi khu vực dân cư phục hồi trong năm 2023 nhờ bong bóng đầu cơ đất đai xẹp; kênh đầu tư vàng, USD hạ nhiệt; thị trường tài sản (trái phiếu, cổ phiếu) giảm tính hấp dẫn do nhà đầu tư cân đối lại kỳ vọng lợi nhuận/rủi ro”, VDSC kỳ vọng.
Cũng có góc nhìn tích cực, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, xu hướng lãi suất sẽ dần hạ nhiệt. Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Tính đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thông báo hạ lãi suất huy động từ 1 - 2,5%/năm so với trước.
Các chuyên gia kỳ vọng, làn sóng giảm lãi suất huy động sẽ tiếp tục lan toả tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới. Đối với lãi suất cho vay, Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên cam kết giảm lãi suất cho vay ngay ngày đầu năm 2023. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, ngân hàng cam kết sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh. Thời gian áp dụng từ ngày 1/1 đến hết 30/4/2023...
Trong năm 2023, nhiều dự báo cho rằng kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái. Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và dự kiến duy trì chính sách lãi cao đến cuối năm 2024. Như vậy, áp lực lạm phát tăng vẫn lớn, mặt bằng lãi suất cao còn tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu còn cao.
Trong bối cảnh lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược xu hướng chung. Do đó, NHNN sẽ phải nỗ lực hơn nữa để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành Ngân hàng thời gian tới, nhất là khi lạm phát lõi có dấu hiệu tăng.
Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng đã chỉ đạo các TCTD rà soát, tiết giảm chi phí để chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, các TCTD cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hướng đồng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa…); tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro./.