Aa

Lãi suất giảm để kích cầu bất động sản

Thứ Tư, 09/12/2020 - 11:30

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, giai đoạn khó khăn của thị trường đã qua và cơ hội sẽ mở ra nhiều trong thời gian tới.

Lãi suất vay mua nhà được nhiều ngân hàng điều chỉnh về mức hợp lý, thêm vào đó việc khan hiếm nguồn cung mới tại các dự án căn hộ ở TP.HCM đã khiến giá các dự án căn hộ hiện tại tiếp tục tăng. Đây là các yếu tố được cho là tích cực cho doanh nghiệp bất động sản trong năm 2021 và cổ phiếu bất động sản nhờ đó cũng rất triển vọng trong trung - dài hạn.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành nhằm giúp nền kinh tế chống chọi và vực dậy trong và sau dịch Covid-19. Các ngân hàng liên tục giảm lãi suất và đưa ra các gói vay mua nhà hấp dẫn, kích thích nhu cầu mua nhà của người dân.

Ảnh minh họa

Ngân hàng chuyển hướng sang cho vay mua nhà

Dù lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng nguồn tiền dư thừa trong dân vẫn tìm ngân hàng để "chọn mặt gửi vàng". Vốn dồi dào, trong khi tín dụng sản xuất, kinh doanh tăng chậm, khiến nhiều ngân hàng đang chuyển hướng tập trung vào cho vay cá nhân, nhất là cho vay mua nhà, mua xe.

Theo chứng khoán VnDirect, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng hiện thấp hơn so với đầu năm từ 1 - 2%, chỉ từ 6,49%/năm, sau thời gian ưu đãi lãi suất được cộng thêm biên độ 3 - 4% tùy từng ngân hàng. Theo đó, lãi suất hấp dẫn nhất thuộc về nhóm các ngân hàng như Standard Chartered, HSBC, Shinhanbank, Hong Leong Bank, Maritime Bank... Lãi suất vay mua nhà trung bình thuộc về nhóm các ngân hàng như Techcombank, Agribank, Vietcombank, Vietinbank, UOB, Woori Bank... Và lãi suất vay mua nhà cao nhất thuộc về nhóm các ngân hàng như Eximbank, Sacombank, Bắc Á Bank, VIB, Lienvietpostbank...

Tương tự, khảo sát của chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho thấy lãi suất cho vay mua nhà tại nhiều ngân hàng đã giảm mạnh. Tính đến tháng 11/2020, các ngân hàng trong nước đã hạ 1,8 điểm phần trăm lãi suất cho vay mua nhà và tỷ lệ dao động từ 5,99% đến 11,5%.

Khảo sát tại các ngân hàng như VIB, TPBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, ShinhanBank, Techcombank... mức lãi suất công bố cho vay cực kỳ hấp dẫn. Cụ thể, Techcombank đưa ra mức lãi suất 7,59%/năm (giảm so với mức 8,29% của tháng 11) cố định 12 tháng; kỳ hạn 24 tháng cũng chỉ ở mức khoảng 8,6%/năm. Bên cạnh đó, Techcombank cũng đã áp dụng mức lãi suất sau thời gian cố định lãi suất chỉ từ 9,3 - 9,8% dành cho khách hàng VIP và khoảng 10,7 - 11,2% cho khách hàng thông thường.

Tại ShinhanBank, mức lãi suất cho vay mua nhà giảm từ 7% xuống 6,6%/năm; TPBank giảm từ 7,5% xuống 6,9%/năm; Hong Leong Bank giảm từ 7,25% xuống còn 6,5%/năm; HSBC giảm từ 7,99% xuống 6,49%/năm...

Thị trường bất động sản sẽ sôi động

Ngoài lãi suất ưu đãi, việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ từng bước tháo gỡ các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ năm 2021 hứa hẹn sẽ làm thị trường bất động sản sôi động trở lại trong năm 2021. Đây cũng là thời điểm vaccine Covid-19 được thương mại hóa.

Thị trường bất động sản thời điểm cuối năm ghi nhận nguồn cung dồi dào được bổ sung từ các chủ đầu tư uy tín như Vingroup, Masterise, Ecopark, Novaland, Thuduchouse, NamLong, Khang Điền... với các chương trình ưu đãi hấp dẫn cho người mua. Nếu như trước đây, các chương trình khuyến mãi mới chỉ dừng lại ở việc thay đổi thời gian thanh toán, tặng voucher, hỗ trợ lãi suất... thì nay các chủ đầu tư còn giảm tỷ lệ thanh toán vốn tự có để giảm áp lực cho người mua nhà, tăng tỷ lệ chiết khấu...

Theo Colliers Việt Nam, 9 tháng năm 2020, ít nhất 10 nhà phát triển nước ngoài mới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các thương vụ M&A, đặc biệt là việc chuyển nhượng các dự án thành phần trong các dự án có quy mô lớn được xem là giải pháp nhanh nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư trong nước mở rộng quỹ đất. Đơn cử là thương vụ M&A của CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va - Novaland (HOSE: NVL) mua lại 286ha tại Đồng Nai, cùng một số thương vụ nhỏ lẻ với các địa phương, với tổng giá trị lên tới 1 tỷ USD.

Cổ phiếu bất động sản ảnh hưởng lớn đến VN-Index

Trên thị trường chứng khoán, theo thống kê, số lượng công ty niêm yết có mức vốn hóa trên 1 tỷ USD đến nay đã có 30 doanh nghiệp trên cả 2 sàn HOSE và HNX, chủ yếu thuộc nhóm tài chính ngân hàng, bất động sản. Riêng giá trị vốn hóa cổ phiếu bất động sản tính chung trên toàn thị trường lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23%. Đây là một trong những nhóm ngành quan trọng có ảnh hưởng lớn đến diễn biến chỉ số VN-Index.

Trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 khiến tâm lý e dè của các nhà đầu tư tăng cao, thêm vào đó nguồn cung sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đối diện với khó khăn. Những khó khăn này được thể hiện rõ tại kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết khi doanh thu cũng như lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020 sụt giảm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tình hình trong quý cuối cùng của năm 2020 đang cho thấy có sự cải thiện khi nhiều doanh nghiệp bất động sản "bung hàng". Thêm vào đó lãi suất cho vay mua bất động sản tại các ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua là tác nhân kích thích thị trường bất động sản, kéo cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết "đảo chiều".

Thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, có 78/93 cổ phiếu bất động sản tăng giá; trong đó có 21 mã tăng từ 20% trở lên. Cổ phiếu VHM của Vinhomes vẫn duy trì là cổ phiếu dẫn dắt thị trường này, với trị giá tại phiên 7/12/2020 đang đứng ở mức 84.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 53% so với thời điểm quý I và tăng hơn 11% so với thời điểm cuối quý III/2020.

Một trong những cổ phiếu có sự tăng trưởng mạnh trong 10 tháng năm 2020 là CRE của Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ - CenLand. Cổ phiếu này giao dịch ở mức 33.400 đồng/cổ phiếu, tăng 223% so với thời điểm cuối quý I và tăng hơn 52% so với cuối quý III.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của CenLand, doanh thu quý III đạt 602 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận gộp thu về đạt gần 139 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh thu CenLand đạt 1.308 tỷ đồng, thực hiện được khoảng 54% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 202 tỷ đồng, hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Và còn nhiều mã như DXG, IDC, TDH, NLG, KDH... cũng tăng mạnh với mức tăng từ trên 10% - 50% trong thời gian qua.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cổ phiếu đều tăng mà cũng có những cổ phiếu phân hóa. Chẳng hạn, giá cổ phiếu NVL của Novaland tăng hơn 16% so với quý I, nhưng lại giảm 5,5% so với thời điểm cuối quý III. Hiện NVL đang dừng ở mức 60.400 đồng/cổ phiếu khi kết thúc phiên 7/12.

Việc đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhờ đầu tư công và thành lập TP. Thủ Đức là những cú hích mạnh mẽ hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi. Chính vì vậy, cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm được các nhà đầu tư quan tâm và có tiềm năng tốt để đầu tư dù nhóm này có sự phân hóa mạnh mẽ.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng giai đoạn khó khăn của thị trường đã qua và cơ hội sắp tới sẽ mở ra nhiều. Đây là thời điểm rất tốt cho nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu bất động sản để đầu tư trong trung và dài hạn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top