Aa

Lãi suất giảm, liệu các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn?

Thứ Ba, 03/10/2023 - 10:16

Dù lãi suất ngân hàng đã “hạ nhiệt”, song theo các doanh nghiệp mức lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức khá cao, khiến họ vẫn ở vào tình trạng lao đao, khó tiếp cận được nguồn vốn phục hồi và sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp gặp khó do lãi suất ngân hàng vẫn cao

Thời gian qua, phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đề ra những chỉ đạo giảm lãi suất huy động nhằm mục đích hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Tính đến hiện nay, đã có khoảng 21 ngân hàng giảm lãi suất. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được nhiều ngân hàng niêm yết chỉ ở mức từ 5, 5%/năm.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn xuất hiện sự chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và tiền vay còn khá cao. Các doanh nghiệp phản ánh rằng, mức lãi suất cho vay tại nhiều lĩnh vực vẫn duy trì ở mức cao, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nhưng lãi suất cho vay đa phần đều trên 10%/năm, tức là gấp đôi lãi suất huy động.

giảm lãi suất
Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động và rục rịch giảm lãi vay (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên)

Theo nhận định của TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, sau 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã khiến các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Ông Phong cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm đi nhiều như một sự khẳng định về áp lực lạm phát tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Đây cũng là hướng đi thể hiện sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ theo đúng mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng cường kinh tế. Ngoài ra, việc giảm lãi suất huy động là cách để tác động giảm lãi suất cho vay hiện nay.

“Trong thời gian qua, việc giảm lãi suất liên tục đã giúp các ngân hàng thương mại giảm bớt các chi phí vốn tiếp cận từ ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng đã giảm lãi suất huy động, kéo theo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp đang trong tình cảnh khó khăn, nhất là trong bối cảnh lãi suất tăng cao khi nền kinh tế gặp trục trặc”, ông Phong nói.

Ông Phong
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế (Ảnh minh họa: Reatimes)

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, dù lãi suất cho vay đã giảm nhưng hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang cố giữ mức lãi suất cho vay trên 10%. Có nhiều doanh nghiệp than phiền rằng, họ đang phải chịu khoản vay lãi suuất cao từ những khoản vay cũ từ 12 – 15%/năm, còn hiện nay về mức trên 10%/năm.

“Mức cho vay trên 10% sẽ khiến bất kỳ doanh nghiệp nào cũng rơi vào cảnh lúng túng, không chịu được khoản vay lớn, từ đó sẽ không thể kéo dài "sự sống" của doanh nghiệp, nhất là trong tình trạng thị trường còn nhiều điểm nghẽn như hiện nay”, ông Phong nói.

Theo các chuyên gia, bản thân các ngân hàng cũng chính là các doanh nghiệp, vì vậy cần tính toán giảm lãi suất sao cho hợp lý để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Trước mắt thì lãi suất huy động đã giảm, còn lãi suất cho vay sẽ giảm từ từ, tránh việc giảm xuống nhanh một cách quá đột ngột như giảm lãi suất huy động để ổn định nền kinh tế.

Giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt khó khăn

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để đảm bảo “sức khỏe” cho các doanh nghiệp hiện nay thì trong thời gian tới cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay xuống, đồng thời thực hiện “nới” room tín dụng để tạo ra nhiều điều kiện giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn, rộng hơn để hỗ trợ tăng trưởng và phát triển, giúp ích cho cả nền kinh tế.

“Nếu không làm được điều này sớm hơn thì chắc chắn trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều các doanh nghiệp lần lượt rút khởi thị trường nhanh hơn so với dự định”, ông Phong nhận xét.

giảm lãi suất
Giảm lãi suất mang nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay, ông Phong cho rằng, cần cơ cấu lại những khoản nợ cũ, cho phép được thương lượng… Ngoài ra, cần bổ sung thêm một số điều kiện để cải thiện việc tiếp cận vốn một cách tốt hơn, bao gồm: thế chấp, hạ lãi suất, kéo dài thời gian ân hạn, cho vay thời hạn dài hơn,… Đây là những điều kiện quan trọng giúp các doanh nghiệp có nhu cầu vốn vay sẽ có thêm thời gian để phục hồi và vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay. Nếu không thì các doanh nghiệp sẽ chỉ liên tục chạy theo những mục tiêu ngắn hạn,rất khó thực hiện tăng trưởng dài hạn và bền vững.

Ông Phong nhận định: “Chúng ta không chỉ nên quan tâm đến chính sách tiền tệ mà còn cần quan tâm đến các chính sách tài chính, thiết lập bộ máy chính sách đồng bộ, giúp các doanh nghiệp giảm bớt được những khó khăn để tiếp tục bước vào thị trường tươi sáng trong tương lai”.

Hiện nay, có rất nhiều các doanh nghiệp nhận được các đơn hàng, dù cho đơn hàng còn nhiều "lỗ hổng" nhưng họ vẫn phải chấp nhận để giữ chuỗi cung ứng cũng như trong công tác quản lý mô hình công ty của họ. Chính vì thế, trên tinh thần tháo gỡ những khó khăn cấp bách, việc hạ lãi suất xuống dưới 10% là một trong khẩn cầu, mong muốn của các doanh nghiệp, đây là việc làm hết sức cần thiết, tạo lợi ích cho cả bên vay và bên cho vay, đồng thời tạo động lực tăng trưởng nền kinh tế đất nước.

Các chuyên gia tài chính cũng nhận định rằng, chúng ta đang nhìn thấy có rất nhiều các tín hiệu tích cực và rõ nét. Cụ thể là lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm, điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội tốt để tiếp cận nguồn vốn vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay này chưa thể áp dụng ngay lập tức, bởi mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang khá cao. Do vậy, chúng ta cần có nhiều thời gian để mức lãi suất này về vùng hấp dẫn, cụ thể là cần về mốc 8 – 9%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top