Aa

Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận vốn vay

Thứ Tư, 02/08/2023 - 06:30

Giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng nên ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp.

Ngân hàng vào cuộc

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư kí Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp do xung đột Nga-Ucraina, các nước ưu tiên thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát cao, dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp nguồn lực cạn kiệt, thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm sút... đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư kí Hiệp hội Ngân hàng. Ảnh Hiệp hội Ngân hàng

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60.200 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 100.000, tăng 19,7%.

Doanh nghiệp khó khăn đã tác động và ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, thể hiện trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành ngân hàng có tốc độ huy động vốn khoảng 4% và tăng trưởng tín dụng khoảng 4,3%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua. 

Vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng mở rộng sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực, khẩn trương có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sử dụng nhiều giải pháp thông qua các TCTD.

Cụ thể, đã điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế. Trong bối cảnh FED liên tục tăng lãi suất song Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành từ 0,5-2%/năm, các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng được thông suốt, tỷ giá ổn định góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước đã tích cực, khẩn trương có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ; chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay đối với DNNVV và triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với ngành, lĩnh vực, dành 120.000 tỷ đồng đầu tư cho nhà ở xã hội góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân và lĩnh vực bất động sản; đồng thời chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các TCTD cùng đồng thuận giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay đối với khách hàng…

Ngoài ra cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chú trọng nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Để hỗ trợ khách hàng, người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, các TCTD đã ban hành rất nhiều chính sách giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ cho các doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhiều ngân hàng đã thông báo giảm sâu mặt bằng lãi suất huy động và cam kết giảm tiếp lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

Về phía các doanh nghiệp, việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp cũng không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng như tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp.

Ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay. Ảnh Zing

Trên thực tế, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch, do đó không thể thực hiện các giải pháp về hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng.

Đa số các DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các DN mới thành lập trong thời gian qua, dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.

“Nhiều DN có tài sản thế chấp gặp vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, quy hoạch treo, tranh chấp…, dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn”, ông Hùng cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, các DNVVN là đối tượng được ưu tiên áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, nhưng để được tiếp cận chính sách ưu tiên theo quy định, DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Tuy nhiên, hầu hết DNNVV hiện nay không đáp ứng được các điều kiện trên. Phần lớn DNNVV có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, Chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng...Cũng theo ông Hùng,

việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp nhiều vướng mắc do nhiều DN khó khăn nhưng không thuộc đối tượng vay vốn, khó tách phần chi phí được hỗ trợ đối với DN kinh doanh đa ngành nghề, đặc biệt nhiều DN có kết quả kinh doanh giảm đã không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất...

Về phía các TCTD, ông Hùng cho biết, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, số lượng đơn hàng thấp trong khi chi phí vốn tăng cao, sức hấp thụ vốn của các DN giảm sút, đã tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng. Nhiều ngân hàng tiết giảm tối đa chi phí, cắt giảm lương, lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Mặc dù các TCTD đã liên tiếp giảm lãi suất cho vay, song tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các TCTD rất thấp, cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng. Thực tế, từ cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các TCTD gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Ngoài ra, việc triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN gặp nhiều vướng mắc do nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; không đáp ứng được điều kiện doanh thu, thu nhập sụt giảm theo quy định tại Thông tư 02; số dư nợ đề nghị cơ cấu đã quá hạn trên 10 ngày; 

“Các TCTD thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN thì trong 12 tháng giãn nợ, TCTD phải trích lập dự phòng, thoái thu lãi, ảnh hưởng đến lợi nhuận; đồng thời việc nới lỏng điều kiện tín dụng, trong bối cảnh các doanh nghiệp hết sức khó khăn, không có khả năng trả nợ, gây rủi ro tiềm ẩn rất lớn cho các TCTD, nợ xấu sẽ tăng cao”, ông Hùng thông tin.

Trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc, nhiều khách hàng bất hợp tác, cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ, nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng; Việc xử lý nợ thông qua thủ tục tố tụng mất rất nhiều thời gian và chi phí và không có hiệu quả.Việc giải ngân cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản của các ngân hàng vẫn thấp. Nguyên nhân, theo ông Hùng, Bộ Xây dựng  giao cho UBND các tỉnh là phê duyệt các danh mục dự án đủ điều kiện để cho vay. Hiện nay các địa phương  cũng có một số địa phương cũng đã phê duyệt danh sách và đã gửi cho Ngân hàng Nhà nước có khoảng 15 dự án. Tuy nhiên, rà soát những dự án này đều chưa đạt được cơ sở về pháp lý để có thể giải ngân cho vay. 

Bên cạnh đó ông Hùng cũng chỉ ra các rủi ro tội phạm công nghệ liên quan tới quá trình chuyển đổi số do ứng dụng công nghệ trong giao dịch và quản lý thông tin, dữ liệu khiến ngân hàng trở thành đối tượng chú ý của tội phạm công nghệ với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top