Aa

Lãi suất giảm, tín dụng chưa tăng mạnh

Theo Vân Linh/Báo Đầu tư
Theo Vân Linh/Báo Đầu tư
Thứ Hai, 25/12/2023 - 10:44

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng Khối Cho vay bán lẻ (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) nhận định, mặt bằng lãi suất giảm dần, song cầu tín dụng của khách hàng vẫn khó tăng, kể cả dịp cuối năm nay.

PV: Ông đánh giá thế nào về tín dụng cá nhân trong dịp cuối năm nay?

Ông Trịnh Bằng Vũ: Tuy mặt bằng lãi suất giảm, kể cả với lãi suất cho vay cá nhân, nhưng so với cùng kỳ các năm trước, thì năm nay, tình hình tín dụng chậm hơn, khó tăng trưởng hơn…, dù các cơ quan quản lý và ngành ngân hàng đã hết sức nỗ lực triển khai, áp dụng nhiều công cụ và giải pháp.

Trong giai đoạn cuối năm nay, với ngân hàng chúng tôi, tuy tốc độ tín dụng có cải thiện hơn so với các tháng trước, nhưng nhìn chung, tình hình vẫn chậm và thấp hơn so với kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu vay và năng lực vay vốn của khách hàng suy giảm so với trước, dẫn đến một số không đáp ứng được điều kiện vay, số khác có tâm lý trì hoãn hoặc không muốn vay vì e ngại rủi ro hoặc kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm thời gian tới.

PV: Cầu vốn của khách hàng có trở lại trong thời gian đầu năm tới không, thưa ông?

Ông Trịnh Bằng Vũ: Chúng tôi kỳ vọng, thị trường sẽ hồi phục dần và nhu cầu vay vốn sẽ tăng trở lại ngay từ đầu năm sau, khi kinh tế tăng trưởng trở lại, lãi suất giữ mặt bằng hiện nay.

Lãi suất giảm, tín dụng chưa tăng mạnh- Ảnh 1.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng Khối Cho vay bán lẻ (Ngân hàng Shinhan Việt Nam)

Với nhiều tổ chức và doanh nghiệp, đây là thời điểm quan trọng cho đầu tư tích trữ hàng hóa, mua sắm nguyên vật liệu, chuẩn bị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn cuối quý IV/2023 và quý I/2024… Tuy nhiên, một bộ phận lớn người lao động có thu nhập từ lương sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, do tâm lý thận trọng, tiết kiệm hơn trong tiêu dùng dẫn đến động lực mua sắm, chi tiêu của người dân cũng sẽ giảm sút hơn trước.

Về phía doanh nghiệp, năm 2023 ghi nhận nhiều khó khăn hơn các năm trước do sức mua và sức cầu của thị trường yếu, đơn hàng đầu ra sụt giảm, dẫn đến tình hình tiêu thụ sản phẩm và kết quả kinh doanh có thể thấp hơn so với dự kiến, buộc doanh nghiệp phải tính toán kỹ và hạn chế hơn trong việc thu xếp nguồn vốn vay. Ngoài ra, chuẩn thẩm định của các ngân hàng khó thay đổi và sự sa sút về điều kiện vay của nhiều doanh nghiệp cũng là trở ngại lớn trong giai đoạn hiện nay.

PV: Để kích cầu tín dụng cuối năm, Ngân hàng có các chính sách tín dụng ra sao?

Ông Trịnh Bằng Vũ: Nắm bắt xu hướng nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm, Shinhan Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân từ nay đến cuối năm và có thể kéo dài đến hết quý I/2024. Trong đó, với cho vay mua nhà, có gói lãi suất cố định chỉ 5,99% năm cho 6 tháng đầu tiên và 8% cố định cho gần 5 năm còn lại.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng có một số gói hấp dẫn khác, như gói lãi suất cố định trong 24 - 36 tháng với chỉ hơn 7%/năm…

Về cho vay tín chấp tiêu dùng, chúng tôi áp dụng các mức lãi suất thấp nhất, chỉ từ 13 - 14%, đặc biệt áp dụng cho khách hàng cá nhân là người lao động đang làm việc tại các công ty có uy tín và xếp hạng cao.

PV: Thực tế, nhiều khách hàng vẫn khó tiếp cận được vốn giá rẻ dịp cuối năm, thưa ông? 

Ông Trịnh Bằng Vũ: Lợi ích lớn nhất của khách hàng khi đến với ngân hàng là có thể giảm bớt gánh nặng chi phí lãi suất khi phát sinh nhu cầu vay vốn và đây cũng là mục tiêu lớn nhất của chúng tôi trong dài hạn. Thực tế cũng cho thấy, việc giúp khách hàng cũng là giúp chính ngân hàng khi đồng hành cùng người vay ở mức lãi suất thấp nhất có thể. Thậm chí, đối với các khoản vay mới hiện nay, lãi suất của Ngân hàng gần như hòa vốn để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn chung này. Không những vậy, Ngân hàng luôn cập nhật, xem xét và điều chỉnh liên tục lãi suất và các điều kiện vay được để đảm bảo tính cạnh tranh và duy trì ổn định năng lực bán./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top