Aa

Lãi suất “hạ nhiệt” nhưng người mua nhà vẫn như “ngồi trên lửa”

Thứ Bảy, 18/03/2023 - 06:09

Câu chuyện lãi vay cao làm “chùn chân” những giấc mơ an cư đã trở thành đề tài nóng hổi suốt nhiều tháng qua. Đến thời điểm hiện tại, tuy lãi suất đã "hạ nhiệt" nhưng người mua nhà vẫn như "ngồi trên lửa".

Giấc mơ an cư và tình cảnh “cá nằm trên thớt”

Khăn gói lên Thủ đô từ năm 2010 để theo học ngành Cơ khí tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đến nay anh Nguyễn Chí Lập (quê tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bám trụ nơi đất khách quê người hơn một thập kỷ nhưng vẫn đang từng ngày phải vật lộn với cuộc sống vì mong ước sở hữu riêng một căn nhà.

Năm 2018, anh lập gia đình. Thời gian đầu sau khi kết hôn, 2 vợ chồng anh vẫn còn sinh hoạt ở trong căn phòng trọ vỏn vẹn 30m2 nằm trên đường Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đến năm 2020, khi bắt đầu tính đến chuyện mua nhà, anh chị quyết định sẽ tìm mua ở phân khúc căn hộ chung cư vì giá rẻ hơn cả so với mặt bằng chung.

Thời điểm ấy, gom góp số tiền tích cóp của cả hai vợ chồng được khoảng hơn 500 triệu đồng, ông bà nội ngoại cũng hỗ trợ thêm 200 triệu đồng dưới dạng cho vay không tính lãi. Có trong tay 700 triệu đồng, anh quyết định đi vay ngân hàng thêm 1,2 tỷ đồng thời hạn 10 năm để có thể tậu được căn hộ chung cư 2 phòng ngủ tại một dự án trên địa bàn phường Định Công, quận Hoàng Mai. Lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên là 8%/năm. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi được áp dụng thay thế. Cũng từ đây, vòng xoáy vay tiền để mua nhà - mua được nhà rồi lại trả nợ - trả nợ không nổi lại nghĩ đến việc bán nhà bám riết và bào mòn cuộc sống hai vợ chồng anh.

Chia sẻ với Reatimes, anh Lập không giấu nổi vẻ chán chường: “Chỉ một đêm sau thông báo mới của ngân hàng, lãi suất tăng từ 9,5% lên 13,4%, tức số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi hàng tháng tăng từ 12 triệu đồng lên 17 triệu đồng. Tôi đang rất lo lắng, đi ở trọ ròng rã 10 năm mới tích cóp mua được căn nhà nhỏ cho vợ con. Vậy mà giờ rơi vào cảnh bán thì khó, ở thì khổ, vì hàng tháng đều chăm chỉ cày cuốc trả lãi, nhưng giờ còn tăng lên thì cũng chưa biết phải tính làm sao. Tôi rất mong lãi suất trở về như thời điểm trước năm 2022, nhưng không biết đến bao giờ”.

Anh Lập cho biết bản thân đã nghĩ đến chuyện bán lại chính căn nhà đã cố gắng vay mượn để lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, trong bối cảnh không khí ảm đạm bao trùm toàn thị trường, thanh khoản ách tắc, giao dịch nhỏ giọt như hiện nay, bán được nhà với giá tốt không phải là chuyện dễ dàng. 

Lãi vay cao khiến mọi kế hoạch tài chính của người mua nhà trả góp đều bị đảo lộn. (Ảnh: Di Anh)

Rơi vào cùng cảnh ngộ như anh Lập, chị Mai Thu Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã chạm được đến giấc mơ an cư nhưng cái giá đánh đổi là phải gánh một món nợ lớn trên lưng.

“Tôi vay 1 tỷ đồng để mua nhà từ cuối năm 2016 mà đến giờ vẫn chưa trả hết nợ. Lãi suất ngân hàng thì không ngừng tăng, trong khi đồng lương vẫn thế. Thậm chí hiện tại, công ty tôi đang tiến hành cắt giảm nhân sự, nhiều đồng nghiệp đã phải nghỉ việc trước khi hết hạn hợp đồng lao động. Tôi đã rao bán căn hộ từ 4 tháng nay nhưng vẫn chưa thể bán được”, chị Hà cho hay.

Nhiều người dân cho biết, khi quyết định vay ngân hàng để mua nhà, họ đã tính đến khoản dành ra hàng tháng để trả lãi và gốc vay, số còn lại nếu co kéo khéo cũng vẫn sẽ đủ để chi tiêu cho các nhu cầu trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi lãi vay tăng cao đột ngột từ khoảng quý III/2022, mọi kế hoạch tài chính của họ đều bị đảo lộn.

“Tôi nghĩ lẽ ra nên áp dụng mức lãi suất mới cho những người bắt đầu vay kể từ ngày tăng. Còn những người đã vay trước đó như chúng tôi thì phải tính lãi suất theo mức cũ. Chứ như thế này chẳng khác nào đưa người dân vô thế “cá nằm trên thớt” cả”, anh Lập trải lòng.

Trên thực tế, ý kiến của anh Lập cũng đã từng được TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng đề cập đến trong một chương trình livestream trực tuyến về bất động sản phát sóng vào cuối tháng 9/2022 - thời điểm câu chuyện lãi suất bắt đầu “nóng” trên thị trường.

Cụ thể, vị chuyên gia chia sẻ: “Có rất nhiều ngân hàng mời gọi khách hàng đến vay tiền mua nhà ở với lãi suất thậm chí là 0% trong 3 tháng, 6 tháng đến một năm đầu tiên. Tuy nhiên, sau thời gian đó, lãi suất thường là thả nổi theo thị trường và điều này gây rất nhiều khó khăn cho người mua nhà. Lãi suất tăng lên đồng nghĩa với việc họ phải chịu một khoản chi phí tài chính cao hơn. Nhìn sang thị trường bất động sản ở Mỹ, người đi mua nhà có thể trả một mức lãi suất cố định cho 30 năm và thậm chí còn lâu hơn”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá chương trình cho vay của các ngân hàng tại Việt Nam đã phần nào lỗi thời và cần một sự cải tổ.

Lãi suất “hạ nhiệt” nhưng vẫn quá khả năng chi trả của đa số người dân

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã ổn định và có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,43%/năm (so với cuối năm 2022) và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. 

Theo tìm hiểu của PV, sang tháng 3/2023, xu hướng giảm lãi suất vẫn đang tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, mức “hạ nhiệt” này vẫn là chưa đủ để xoa dịu gánh nặng trên vai người mua nhà khi nhiều ngân hàng vẫn có lãi suất cho vay từ 10%/năm trở lên.

Đơn cử như Hong Leong Bank. So với tháng trước thì lãi suất cho vay của nhà băng này đã giảm 1 điểm %, từ 11,7%/năm xuống 10,7%/năm. Đây là mức lãi suất ưu đãi nhưng đã cao trên 10%/năm và cũng chỉ cố định trong vòng 1 năm đầu tiên. 

Trong khi đó, Shinhan Bank cũng giảm tới 2,81 điểm %, từ 10,8%/năm xuống còn 7,99%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi này chỉ áp dụng cố định trong 6 tháng đầu, các tháng tiếp theo lãi suất sẽ ở ngưỡng 10,5%/năm.

Đáng chú ý có sự “ngược dòng” của PVcomBank. Ở thời điểm tháng 2/2023, nhà băng này còn nằm trong nhóm 2 ngân hàng có mức lãi suất cho vay “dễ chịu” nhất trên thị trường khi lãi suất ưu đãi chỉ ở mức 5%/năm, chỉ cao hơn MSB với 4,99%/năm. Vậy mà sang tháng 3/2023, PVcomBank đã tăng mạnh lãi suất ưu đãi lên tới 12%/năm, cố định trong 6 tháng đầu. Hết thời gian ưu đãi sẽ áp dụng lãi suất 15,5%/năm cho các tháng tiếp theo.

Khảo sát trên website chính thức của các ngân hàng cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay có giảm so với thời điểm cuối năm 2022 nhưng vẫn cao hơn 2 - 3,5%/năm so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài các ngân hàng kể trên, còn nhiều cái tên khác cũng có lãi suất cho vay ở ngưỡng cao như UOB (10,7%/năm) hay HSBC (11,5%/năm).

Chị Nguyễn Thùy Linh, nhân viên quầy giao dịch một ngân hàng trên địa bàn phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cho biết: “Tôi vay nội bộ ngân hàng mà lãi đã lên gần 13% (thời điểm tháng 6/2022 chỉ là 9%). Khách hàng mới lên 15 - 16%, trong khi vài tháng trước còn là 12%. Tiền lương có khi còn không đủ trả lãi vay nên đến thời điểm thanh toán cuối tháng, các khách hàng thấy mệt mỏi, chán nản cũng là điều dễ hiểu”. 

Chuyên gia khuyến cáo người dân không nên “đánh liều” mà sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn so với khả năng chi trả. (Ảnh: Di Anh)

Lãi vay cao đã khiến những người mua nhà sử dụng đòn bẩy tài chính lớn rơi vào tình thế “cá nằm trên thớt”. Song song với đó, cũng khiến cả những người có dự định mua nhà phải “chùn chân”. Đồng lương người lao động không chỉ “hụt hơi” trong cuộc chạy đua với đà tăng của giá nhà mà còn với cả lãi suất cho vay. Thấu hiểu điều này nên một số chủ đầu tư đã triển khai các ưu đãi hấp dẫn khi mua nhà nhằm thu hút khách hàng ở trước, trả sau. Đơn cử như tại dự án Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội), khác hàng có thể mua nhà khi mới chỉ có 450 triệu đồng.

Cụ thể, khách hàng nếu quyết định mua sẽ được hỗ trợ vay lên đến 70% giá trị căn hộ, hỗ trợ lãi suất 0% đến tháng 4/2024. Kèm theo đó là các ưu đãi khác như tặng gói quà tân gia trị giá 255 triệu đồng hay voucher xe điện Vinfast lên đến 200 triệu đồng.

Nhìn sang dự án chung cư Feliz Homes Hoàng Mai nằm trong khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai, chủ đầu tư cũng yêu cầu khách hàng chỉ cần trả trước 25% hợp đồng mua bán là đã có thể sở hữu căn hộ. Đồng thời, sẽ hỗ trợ 18 tháng không lãi suất đối với người mua cần vay vốn ngân hàng.

Trên thực tế, tỷ lệ cho vay mà các nhà băng chấp nhận cho khách hàng có thể lên đến 70 - 90% giá trị bất động sản, đi kèm kỳ hạn tối đa kéo dài từ 20 - 30 năm. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo người dân không nên “đánh liều” mà sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn so với khả năng chi trả.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đưa ra khuyến cáo: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù lãi suất có thấp như năm 2021 đi chăng nữa thì cũng phải tính đến việc lãi suất sẽ tăng cao trở lại. Người vay mua nhà nên cân nhắc khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, không nên chi quá 30% thu nhập cho khoản vay. Bên cạnh đó, cần ước tính giá trị căn nhà dự định mua trên mức thu nhập cùng tiền mặt sẵn có và chỉ nên vay trong khả năng trả nợ”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top