Aa

TS. Lê Xuân Nghĩa: Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ năm 2023 là giảm lãi suất cho vay

Thứ Tư, 11/01/2023 - 06:10

TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra nhận định trên trong bối cảnh thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp xuống dốc và các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề lãi suất, tín dụng.

Ngày 8/1, Trung Quốc đã gỡ bỏ các rào cản chống dịch Covid-19 và có dấu hiệu phục hồi mạnh hơn dự báo. Các chuyên gia nhận định, sự kiện này cùng với việc lạm phát đang giảm trên toàn cầu, xung đột Nga - Ukraina mặc dù chưa dự đoán được thời điểm kết thúc, nhưng quy mô xung đột trong tương lai cũng sẽ giảm dần, do đó về cơ bản, những điều kiện đến từ bên ngoài khả năng sẽ không còn khó khăn như năm 2022.

Việc còn lại là khắc phục những vấn đề nội tại trong nước, trong đó có sự xuống dốc của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cộng thêm việc các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề lãi suất, tín dụng. Trong năm 2023, đâu là những giải pháp rõ ràng, cụ thể hơn để tháo gỡ tín dụng cho doanh nghiệp?

 "Không nên có sự phân biệt quá đáng trong ngành nghề cho vay với bất động sản"

Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đầu năm mới 2023 vẫn là kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Động thái này cho thấy, tín dụng bất động sản 2023 sẽ tiếp tục khó khăn, ngoại trừ các phân khúc nằm trong định hướng ưu tiên hỗ trợ.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vẫn sử dụng hệ số rủi ro cao để kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản. Đối với các khoản cho vay để kinh doanh bất động sản, sẽ áp dụng hệ số rủi ro là 200%; các khoản cho vay mua nhà có giá trị trên 4 tỷ đồng áp dụng hệ số rủi ro 150%; các khoản cho vay mua nhà ở có giá trị dưới 1,5 tỷ đồng và nhà ở xã hội thì áp dụng hệ số rủi ro dưới 50%.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, không nên có sự phân biệt quá đáng trong ngành nghề cho vay với bất động sản bởi trong điều kiện bình thường, cơ quan quản lý có thể kiểm soát tín dụng bất động sản ở mức độ nhất định. Nhưng hiện tại, khi thị trường rơi vào tình trạng trầm lắng, nếu tiếp tục khống chế tín dụng đối với bất động sản, cộng với việc thị trường trái phiếu, cổ phiếu đang trong tình trạng suy giảm mạnh thì nguy cơ vỡ "bong bóng" thị trường rất lớn. Và nếu điều này xảy ra, sẽ tác động dữ dội tới hệ thống ngân hàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa,Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: IT)

"Gọi là khủng hoảng thì hơi quá nhưng có thể nói thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Để tăng nguồn cung, thứ nhất phải có đất, có quy hoạch, có dự án nhưng để hoàn thành dự án, nhanh cũng mất 5 - 7 năm, thì rõ ràng chúng ta đang tự làm khó mình. Hai là, cần phải có vốn mới giải quyết được vấn đề nhà ở và cả vấn nạn lợi dụng nguồn cung khan hiếm để thổi giá trong thời gian qua.

Để khơi thông vốn, trước mắt cần làm dịu đi tình hình để phục hồi lại lòng tin của các nhà đầu tư và người dân. Trên nền tảng lòng tin, chúng ta mới phục hồi lại được thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, về phía ngân hàng cũng cần làm dịu đi "cơn khát" vốn của doanh nghiệp, bằng cách đánh giá, tìm những doanh nghiệp nào có tài sản đảm bảo tốt, có khả năng quản trị tốt thì hỗ trợ vốn cho họ phục hồi như cách mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm. Khi những doanh nghiệp tốt xứng đáng được hỗ trợ để tồn tại và phục hồi thì lòng tin của người dân sẽ nhanh chóng trở lại. Điều này một mặt sẽ tăng thêm nguồn cung dự án, một mặt mở thêm nguồn tín dụng, đồng thời phục hồi được thị trường cổ phiếu, và thị trường bất động sản tránh được việc vỡ bong bóng", TS. Lê Xuân Nghĩa nêu.

Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ năm 2023 là giảm lãi suất cho vay

Báo cáo chiến lược năm 2023 mới đây của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho thấy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất. 

MASVN chỉ ra thực tế, so với lãi suất điều hành của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch Covid-19, mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Bên cạnh đó, FED vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%. Vì vậy, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá.

Nguyên nhân thứ hai, theo MASVN, tăng trưởng tiền gửi vẫn ở mức thấp, đến cuối quý III/2022 chỉ tăng 4,8% so với cuối năm 2021, do đó, lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng để thu hút tiền gửi. Nhất là các ngân hàng lớn, đặc biệt là ngân hàng quốc doanh sẽ có nhiều lợi thế trong việc huy động tiền gửi với mức chi phí huy động thấp.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng nhận định, lãi suất điều hành có thể tăng thêm 2%/năm trong năm 2023, trong khi lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ tiền đồng. Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VNĐ và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá, tuy nhiên, do FED còn duy trì chính sách lãi suất cao, Ngân hàng Nhà nước khó có thể giảm mạnh lãi suất liên ngân hàng trong thời gian tới.

Thực tế, hiện lãi suất huy động đã hạ nhiệt nhưng vẫn có những ngân hàng đưa ra mức xấp xỉ 10%/năm gồm cả khuyến mãi và thưởng. Một số ngân hàng mới điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Đơn cử, sau tuần đầu tiên của tháng 1/2023, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động một số kỳ hạn ngắn, tăng lần lượt 0,8%/năm và 0,3%/năm đối với lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 và 3 tháng, đưa mức lãi suất lên thành 6%/năm. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng mới đưa ra biểu lãi suất mới, tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng lên mức 9,5%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng lên thành 6%/năm.

Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh dưới áp lực lãi suất cao. (Ảnh: IT)

Bình luận về vấn đề lãi suất, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết nhắc đến lãi suất là phải nói đến lãi suất thực, sau khi đã trừ đi lạm phát. Ông làm một phép so sánh: Với lãi suất tiền gửi khoảng 9,4%/năm, lạm phát ở mức 3,2%/năm, thì lãi suất thực lên tới 6,4%. Nếu lãi suất cho vay một năm khoảng 12,5% mà lạm phát 3,2% thì lãi suất thực cho vay lên tới trên 9%. Trong khi đó, Mỹ lạm phát 8%, nhưng lãi suất cho vay chỉ 3,5 - 4%/năm, thì lãi suất thực đang -4%/năm. Như vậy lãi suất thực ở nước ta hiện đang cao hơn lãi suất thực của Mỹ tới 13%.

"Tôi có thể chắc chắn rằng đây là mức lãi suất thực rất cao, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh dưới một áp lực rất lớn. Phải nói thẳng thắn với nhau như vậy. Nếu so sánh với châu Âu thì chúng ta còn tệ hơn. Lạm phát ở châu Âu lên tới 10% mà lãi suất cho vay của châu Âu còn thấp hơn của Mỹ. Thử hỏi doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh như thế nào với doanh nghiệp Mỹ và châu Âu trong bối cảnh chi phí tài chính lớn như vậy?", TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề.

Lãi suất cao đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đang dần nhường thị trường hàng hóa nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

TS. Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn bày tỏ: "Chúng ta có thể bằng lòng với tỷ lệ lạm phát, tỷ giá hối đoái trong năm 2022, nhưng sang năm 2023, thách thức rất lớn đối với nền kinh tế là lãi suất đang đứng trên đỉnh của thế giới, trong khi lạm phát của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới, việc mất giá của VNĐ so với USD cũng thuộc loại thấp nhất thế giới. Chúng ta cần một thái độ thực sự cầu thị đối với vấn đề tăng trưởng, phục hồi kinh tế trong năm 2023".

Liệu năm 2023, lãi suất dành cho doanh nghiệp có giảm hay không và giảm bằng cách nào? Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mục tiêu chính của Chính phủ và ngân hàng Trung ương trong năm nay về chính sách tiền tệ nên theo hướng giảm lãi suất. Muốn giảm lãi suất thì cần hiểu tại sao lãi suất tăng? Thực tế không phải do "room" tín dụng, mà là do cung tiền giảm và hạn mức tín dụng chỉ là biện pháp hành chính để khống chế tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, để các đơn vị này đưa ra thị trường một mức cung tiền cố định.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, năm 2022, mức cung tiền của Việt Nam chưa cao, chỉ rơi vào khoảng  7 - 8%. Đây là điều mà ngay từ bây giờ Ngân hàng Nhà nước cần tính đến vì độ trễ của chính sách tiền tệ rất lớn, có thể tính tới 6 tháng hoặc 1 năm. Trên nền tảng của tăng trưởng cao năm 2022 thì cần nhiều tiền hơn để lưu thông hàng hóa. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động tính toán lại khối lượng tiền cung ứng, đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

"Tôi cho rằng mục tiêu quan trọng bậc nhất của chính sách tiền tệ trong năm 2023 chính là phải nghiên cứu để giảm lãi suất xuống mức hợp lý, tăng trưởng tín dụng cũng ở mức hợp lý, đảm bảo ổn định tỷ giá hối đoái, đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế năm 2023", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top