Ghi nhận trong tuần vừa qua (10/1 - 14/1), nghiệp vụ thị trường mở (OMO) không phát sinh giao dịch mới và không còn khối lượng tín phiếu lưu hành trên kênh này.
Thanh khoản trong hệ thống phần nào ổn định hơn, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm 0,02 điểm phần trăm khi kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, xuống còn 1,13%.
Ngược lại, lãi suất kỳ hạn dài có xu hướng tăng 0,04 - 0,08 điểm phần trăm, phản ánh kỳ vọng diễn biến lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng trong thời gian tới, khi thị trường bước vào giai đoạn cao điểm trước Tết Nguyên đán.
Đáng chú ý, mức tăng của lãi suất liên ngân hàng cũng không đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng trong những ngày cuối tháng 12, khi thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 12, tín dụng đạt 10,4 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2020. Chỉ tính trong tháng 12/2021, các ngân hàng thương mại đã cho vay thêm khoảng 253 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với tổng mức cấp tín dụng mới trong tháng 11/2021.
Như vậy, có thể thấy rằng, hoạt động điều tiết thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua khá tốt. Đến những ngày cao điểm cận Tết Nguyên đán nhưng thị trường vẫn có thể tự dưỡng.
Tại diễn biến mới đây, liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù được hỗ trợ lãi suất nhưng vốn vay vẫn phải đến từ phía các ngân hàng thương mại. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết làm sao để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói này.
Đồng thời, trong Chỉ thị ban hành đầu tiên năm 2022, vấn đề này lại được nhắc đến. Cụ thể, Chỉ thị số 01/CT-NHNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Năm 2022, tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra ở mức 14% và cơ quan quản lý sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1%/năm trong giai đoạn 2022 - 2023. Tuy nhiên, dòng vốn được định hướng dòng vốn từ các tổ chức tín dụng sẽ tập trung ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; lĩnh vực khó khăn do dịch bệnh như du lịch, vận tải, lưu trú…
Quay lại với diễn biến tuần trước, nhưng tại thị trường trái phiếu Chính phủ. Trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 7 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Tỷ lệ đăng ký và trúng thầu giảm nhẹ so với tuần trước, ở mức 2,3 lần và 71%.
Trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn ngắn cho thấy sự không hấp dẫn khi không có khối lượng nào trúng thầu. Lợi suất trúng thầu hầu như không có nhiều thay đổi so với tuần trước đó, dao động từ 2,1% đến 3,0% cho các kỳ hạn 10, 15 và 30 năm.
Theo ước tính, nhu cầu tài trợ vốn chính phủ năm 2022 (không bao gồm gói hỗ trợ kinh tế) dự kiến vào khoảng 410 nghìn tỷ đồng để đáp ứng 372 nghìn tỷ đồng tài trợ thâm hụt ngân sách và 40 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đáo hạn.
Do đó, Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng, nguồn cung trái phiếu doanh Chính phủ sẽ cao hơn vào năm 2022 vào lợi suất trái phiếu sẽ tăng nhẹ từ mức thấp như hiện tại./.