Trong 4 tháng gần đây, Ngân hàng Nhà nước ngừng các giao dịch trên thị trường mở và lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp, chỉ 0,1 - 0,5% mỗi năm với kỳ hạn qua đêm và 0,2 - 0,7% một năm với kỳ hạn 1 tuần, thấp hơn rất nhiều các lãi suất vay vốn mới từ Ngân hàng Nhà nước. Và đây là mức bình quân, đồng nghĩa với khả năng có những mức giao dịch thực tế sát 0% hơn nữa.
Việc lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn ngắn tiếp tục đi xuống gần đây cho thấy xu hướng "tiền rẻ" vẫn chưa kết thúc trên thị trường ngân hàng. Trong đó, nguyên nhân chính đến từ việc thanh khoản hầu hết nhà băng vẫn dư thừa.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay, thanh khoản của các ngân hàng hiện nay rất tốt. Trên địa bàn thành phố, 10 tháng đầu năm huy động ước tăng 7%, còn cho vay chỉ tăng khoảng 6%.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào trong cả quý III nhờ nguồn cung vốn tiền đồng tăng qua hoạt động mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước và cầu vốn tăng chậm (tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 mới tăng 6% trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%).
Ngoài ra, việc cơ quan quản lý tiền tệ giảm một loạt lãi suất điều hành từ đầu tháng 10 (lần thứ 4 từ đầu năm) sẽ tiếp tục nối dài tình trạng dư thừa thanh khoản của ngân hàng thương mại. Nhờ đó, lãi suất liên tục giảm mạnh.
Nhìn nhận lãi suất thời gian tới, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng khả năng sẽ giảm tiếp.
Nếu tình hình kinh tế tiếp tục ảm đạm, nhiều người đã nghĩ đến khả năng mức lãi suất liên ngân hàng giảm xuống còn 0%, một điều chưa từng xảy ra tại Việt Nam.
Chia sẻ vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là muốn hạ lãi suất xuống nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang cần vay vốn. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, khả năng lãi suất liên ngân hàng về 0% hoặc thậm chí âm có thể xảy ra ở nước khác nhưng hoàn toàn không thể diễn ra ở Việt Nam.
Có hai lý do chính cho nhận định này.
Thứ nhất, ông cho rằng tại các nước phát triển, hệ thống ngân hàng có hoạt động khá ổn định. Người dân luôn cần có tài khoản ngân hàng và phải giữ trong đó một lượng tiền nhất định để thanh toán, chi tiêu. Trong lúc ngân hàng dôi dư thanh khoản, tức cho vay rất ít mà lãi suất lại thấp thì họ phải áp dụng lãi suất bằng 0 hoặc âm. Ở Việt Nam thì thói quen sử dụng tài khoản ngân hàng để chi dùng vẫn chưa đủ phổ biến nên thanh khoản không quá dư thừa như vậy.
Thứ hai, lạm phát ở Việt Nam hiện nằm đâu đó khoảng 4%. Với lạm phát như vậy, người dân gửi tiền vẫn kỳ vọng có một lãi suất dương. Trong thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng cũng kỳ vọng một lãi suất dương khi gửi cho nhau. "Xét hai yếu tố trên, tôi cho rằng khả năng lãi suất về 0% là rất khó xảy ra tại Việt Nam", ông nói.
Ông Hiếu cũng nhận định, lãi suất liên ngân hàng có thể tiếp tục được giữ ở mức thấp và tác động tích cực của tín dụng rẻ hơn đối với sự hồi phục của nền kinh tế là khá rõ.
Lãi suất vay mua nhà thế chấp, đầu tư và tiêu dùng sẽ giảm đôi chút, gỡ đi phần nào gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng nói chung. Ước tính lượng bất động sản tồn kho hiện tại trị giá tầm 104.000 tỷ đồng. Nếu lãi suất vay trả góp được giữ ở mức 7 - 10%, người mua có thể cảm thấy tiềm năng đủ hấp dẫn. Rất có thể đây là cơ hội lớn trong vòng 10 năm qua để người đầu tư bỏ vốn vào thị trường.
Tuy nhiên, lãi suất huy động thấp cũng có mặt tác động tiêu cực, vì dễ tạo ra "bẫy thanh khoản", tức là người gửi rút tiền mặt để đầu tư vào các tài sản rủi ro khác như chứng khoán, vàng, bất động sản hay kể cả là đồng tiền kỹ thuật số. Như vậy sẽ tạo ra một tình huống rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Hưởng lợi lớn nhất có lẽ là thị trường chứng khoán Việt Nam. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thông thường lãi suất và giá chứng khoán đi ngược nhau. Với lãi suất thấp như hiện tại, chỉ số VN30 đã phục hồi và trở lại mức 900 như hồi đầu năm. Với sự kích thích trên sẽ tiếp tục gia tăng và kéo theo niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế.