Aa

Lãi suất liên ngân hàng đột ngột tăng mạnh vì đâu?

Chủ Nhật, 24/11/2019 - 17:00

Quyết định giảm trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức có hiệu lực được ít ngày, lãi suất VND đã bất ngờ bật tăng rất mạnh trên thị trường liên ngân hàng.

Điều đó khiến không ít người băn khoăn liệu việc thiếu thanh khoản cục bộ của các ngân hàng có liên quan gì đến quyết định giảm lãi suất nói trên hay không?

Thị trường liên ngân hàng bất ngờ “nổi sóng” khi mà lãi suất giao dịch VND bật tăng rất mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/11.

Thanh khoản đột ngột nóng

Thị trường liên ngân hàng bất ngờ “nổi sóng” khi mà lãi suất giao dịch VND bật tăng rất mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/11. Theo đó, lãi suất giao dịch VND bình quân liên ngân hàng tăng tới 0,43 - 0,76 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, đưa lãi suất cho vay qua đêm bình quân tăng lên tới 3,34%/năm; lãi suất 1 tuần là 3,46%/năm và 2 tuần là 3,10%/năm.

Mức lãi suất nói trên vẫn thấp hơn thời điểm cuối tháng 8 khi mà lãi suất cho vay qua đêm tại thời điểm đó đạt tới 4,42%/năm; 1 tuần là 4,60%/năm và 2 tuần là 4,75%/năm. Thế nhưng, mức tăng của phiên ngày 21/11 là mức tăng mạnh nhất trong một phiên trong thời gian gần đây khi mà mức biến động ngắn hạn thường chỉ xoay trong khoảng 0,1 - 0,2 điểm phần trăm mỗi phiên.

Thậm chí trong tuần trước, lãi suất giao dịch VND trên thị trường liên ngân hàng còn giảm ở đa số các kỳ hạn. Vì thế, so với cuối tuần trước, hiện lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm cao hơn tới 1,69%; 1 tuần cao hơn 1,51% và 2 tuần cao hơn 0,9%.

Sự đảo chiều đột ngột của lãi suất liên ngân hàng là một dấu hiệu cho thấy, thanh khoản của các ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng cục bộ. Không chỉ lãi suất tăng mà việc Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng tiền vào hệ thống cũng cho thấy sự nóng lên của thanh khoản.

Quả vậy thống kê cho thấy, trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng vào thị trường sau khi đã bơm ròng 8.000 tỷ đồng vào hệ thống trong tuần trước đó. Hoạt động bơm ròng này được thực hiện thông qua việc ngừng phát hành tín phiếu hoặc chỉ phát hành với khối lượng nhỏ hơn lượng đáo hạn. Đơn cử như phiên ngày 21/11, Ngân hàng Nhà nước cũng ngừng phát hành tín phiếu, song có tới 10.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và chảy trở lại thị trường... Tính chung trong tuần, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ra 18.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý là tình trạng căng thẳng thanh khoản này xảy ra chỉ ít ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước có các quyết định giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 1 tháng xuống còn tối đa là 0,8%/năm và giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 5%/năm. Điều đó khiến không ít ý kiến liên tưởng giữa hai sự kiện này với nhau.

Sự liên tưởng này không phải là không có cơ sở khi mà ngay sau quyết định giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn của Ngân hàng Nhà nước, nhiều công ty chứng khoán đã nhận định quyết định này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động huy động vốn của các ngân hàng nhỏ.

Nguyên nhân do đâu?

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), về tổng thể, tác động trực tiếp của quyết định giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn đến các ngân hàng là không nhiều do lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường. Đồng thời, lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng vẫn đang duy trì tương đối cao để có thể đáp ứng yêu cầu từ quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và lộ trình áp dụng Basel II.

“Nếu xét riêng đối với các ngân hàng thương mại nhỏ, việc hạ trần lãi suất lần này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến lượng vốn huy động ngắn hạn (dưới 6 tháng)”, bà Thái Thị Việt Trinh – Chuyên viên vĩ mô của KBSV nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, việc lãi suất huy động liên tục tăng trong thời gian gần đây một phần do áp lực tăng lãi suất huy động ở các ngân hàng cổ phần nhỏ nhằm bổ sung thanh khoản giai đoạn cuối năm, cũng như để đáp ứng các quy định về vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Để giữ chân khách hàng, nhiều ngân hàng lớn cũng buộc phải tăng lãi suất theo. Bởi vậy, quyết định hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của Ngân hàng Nhà nước trước mắt sẽ tác động chủ yếu đến các ngân hàng nhỏ.

Tuy nhiên theo ông, không loại trừ khả năng các ngân hàng tầm trung, thậm chí cả các ngân hàng lớn cũng bị ảnh hưởng khi mà nhiều khoản tiền gửi đáo hạn không quay lại ngân hàng. “Không loại trừ khả năng các khoản tiền gửi ngắn hạn sẽ được người dân giữ lại, chưa tái tục vội, một phần là để nghe ngóng tình hình sau khi lãi suất được điều chỉnh giảm; phần khác do hiện đang là giai đoạn cuối năm, Tết năm nay cũng đến sớm hơn nên nhu cầu tiêu dùng tiền mặt cũng tăng”, vị chuyên gia này phân tích.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng cần phải có thêm thời gian để quan sát diễn biến thị trường, ít nhất là trong tuần tới, mới có thể kết luận tình trạng căng thẳng thanh khoản hiện nay chỉ mang tính mùa vụ hay lâu dài; chỉ diễn ra ở cục bộ một vài ngân hàng nhỏ hay là trên diện rộng. Bởi những tháng cuối năm cũng là thời điểm tăng tốc của tăng trưởng tín dụng và giải ngân đầu tư công nên nguồn tiền trong hệ thống nhiều khả năng sẽ bớt dư thừa. Chưa kể, các thời điểm cuối tháng, cuối quý, hệ thống ngân hàng thường xuất hiện dấu hiệu căng thẳng về thanh khoản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top