Aa

Lãi suất sẽ tiếp tục tăng đến khi nào?

Thứ Bảy, 05/11/2022 - 09:59

Theo dự báo, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Mỹ có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng 12 và thêm 0,25 điểm phần trăm vào Quý I/2023 trước khi chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

Bao giờ chu kỳ thắt chặt tiền tệ kết thúc?

Trong cuộc họp chính sách ngày 2/11 (theo giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%. Đây là lần tăng 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp do FED đưa ra và là lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng 3/2022. Như vậy, Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất điều hành tổng cộng 3,75 điểm phần trăm kể từ đầu năm. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7 và tháng 9, FED đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.

Trong thông báo sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, FED nhấn mạnh quyết định tiếp tục tăng lãi suất "sẽ là phù hợp" để đạt được mức độ kiểm soát cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát, song cơ quan này sẽ cân nhắc tác động đối với nền kinh tế khi đưa ra các quyết định tiếp theo. Đúng như các dự báo trước đó, sau tuyên bố của FED, đồng USD đã giảm giá, trong khi các ngoại tệ khác đi lên. Đồng yen của Nhật Bản đã tăng giá 1,42% trong ngày lên mức 146,21 yen đổi 1 USD. Đồng euro tăng 0,73% trong ngày lên mức 1 euro đổi 0,9946 USD.

ECB trước đó đã phát tín hiệu rằng họ đang đạt được bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát cao kỷ lục khi tăng gấp đôi lãi suất cơ bản.

Nhận định về chu kỳ tăng của lãi suất, ông Marko Kolanovic, chiến lược gia trưởng về thị trường toàn cầu của Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo, chu kỳ tăng lãi suất hiện tại trên toàn cầu là chu kỳ tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua và đang sắp kết thúc.

“Sự thay đổi trong những phát ngôn từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), căng thẳng tài khóa giảm dần ở Anh và tốc độ tăng lãi suất chậm lại ở Canada và Australia đang thúc đẩy sự lạc quan rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ đang diễn ra trên toàn cầu có thể kết thúc vào đầu năm 2023”, ông Kolanovic và nhóm chiến lược gia của JPMorgan Chase viết trong báo cáo gửi khách hàng mới đây.

Nhóm này cũng đưa ra dự báo, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Mỹ có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng 12 và thêm 0,25 điểm phần trăm vào Quý I/2023 trước khi chấm dứt chu kỳ thắt chặt. Dù dự báo chu kỳ thắt chặt tiền tệ sẽ sớm chấm dứt, nhưng nhóm của ông Kolanovic cho rằng, điều này không có nghĩa là các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ ngừng cuộc chiến chống lạm phát của mình. “Họ vẫn cần giảm áp lực giá tiêu dùng để kịch bản này diễn ra (kịch bản chu kỳ thắt chặt chấm dứt)”, nhóm chiến lược gia nhận định.

ECB trước đó đã phát tín hiệu rằng, họ đang đạt được bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát cao kỷ lục khi tăng gấp đôi lãi suất cơ bản. Trong khi đó, bà Mary Daly, người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang San Francisco cho biết, ngân hàng trung ương Mỹ nên bắt đầu lên kế hoạch giảm mức tăng lãi suất. “Nếu dự báo của chúng tôi đúng, chu kỳ tăng lãi suất hàng loạt và mạnh nhất trong 40 năm qua sẽ chấm dứt vào đầu năm sau. Yếu tố hỗ trợ quan trọng cho các thị trường rủi ro đến từ những tín hiệu cho thấy nhịp độ thắt chặt của các ngân hàng trung ương đã đạt đỉnh và bất kỳ đợt tăng lãi suất tới đây cũng sẽ có bước nhảy nhỏ hơn”, các chiến lược gia của JPMorgan viết trong báo cáo.

Trước nhóm của ông Kolanovic, ông Michael Wilson - Giám đốc về chiến lược cổ phiếu Mỹ của Morgan Stanley cũng nhận định, nhiều chỉ báo như sự đảo ngược đường cong giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm và 3 tháng đã cho thấy FED sẽ sớm đảo chiều chính sách.

Theo Nhật báo phố Wall, lượng tiền mặt của người tiêu dùng Mỹ đang còn quá nhiều. Điều này có thể còn tác động tới việc tăng lãi suất cao và lâu hơn của FED. Theo ước tính của FED, do dịch bệnh và các chương trình hỗ trợ, đến giữa năm 2021, các hộ gia đình Mỹ đang có tổng cộng khoảng 1,7 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm. "Đây không phải là dòng tiền mà FED muốn thấy. Người tiêu dùng đang quá dư dả", chuyên gia tài chính Samuel Rines bình luận.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, FED sẽ dừng ở mức lãi suất 4,75%. Nếu FED tăng lãi suất quá mức sẽ gây ra những tổn thương không cần thiết cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, tác động đầy đủ của chính sách thắt chặt hiện nay có thể phải tận giữa 2023 mới cảm nhận được, đến khi đó có thể đã quá muộn. 

Thấy gì từ việc NHNN điều chỉnh mức lãi suất điều hành?

Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây cho thấy, sau động thái nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất thị trường đã cao hơn thời điểm trước COVID-19 khoảng 0,5-1 điểm %.

Nhóm phân tích cho rằng, việc tăng lãi suất này không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường, tuy nhiên diễn biến lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần vẫn còn khá phức tạp. Các NHTM trong hệ thống đều đã đồng loạt điều chỉnh tăng 0,3-1 điểm % tùy kỳ hạn, trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng ở hầu hết các NHTM cổ phần đã đẩy lên mức trần 6%.

Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ người dân. Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước Covid-19, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 3-4 điểm % so với cuối năm 2021.

Về tăng trưởng tín dụng, số liệu mới cập nhật từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 20/10 và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 11,38%, cung tiền M2 tăng 3,09% và huy động vốn tăng 4,8%. "Như vậy, chênh lệch huy động - tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 và phần nào có sự cải thiện nhẹ (mặc dù chưa quá rõ ràng), sau khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh trong hai tháng qua," báo cáo viết.

Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, NHNN cũng cho biết, diễn biến huy động vốn và tín dụng trong năm 2022 đã đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do vậy, việc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10 là phù hợp, nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản và có điều kiện nhằm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. 

Như đã thấy, trong tuần trước (24/10-28/10), thanh khoản trên hệ thống ngân hàng cải thiện và NHNN sử dụng linh hoạt các nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết trạng thái thanh khoản ở mức phù hợp. Khối lượng tín phiếu phát hành mới đạt 73.100 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày và phương thức đầu thầu tín phiếu duy trì là đấu thầu khối lượng với lãi suất trúng thầu ở 6%/năm (tăng 1% so với tuần trước đó).

Nghiệp vụ mua kỳ hạn cũng được sử dụng, với 37.000 tỷ được bơm mới ở kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 6%. Kết tuần, với lượng tín phiếu đáo hạn lớn, NHNN đã bơm ròng 46.600 tỷ đồng thông qua hoạt động OMO. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm cũng nhích tăng nhẹ lên 4,79% (tăng 0,15 điểm %). 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top