Aa

Doanh nghiệp chịu thêm gánh nặng từ áp lực tăng lãi suất

Chủ Nhật, 16/10/2022 - 06:08

Theo các chuyên gia, tăng lãi suất huy động sẽ kéo theo khả năng tăng lãi suất cho vay và gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là nhóm đầu tư dự án bất động sản.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi

Từ ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo nâng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng thêm 1 điểm %. Ngay sau thông báo này, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi với mức tăng từ 0,3-1,3 điểm % tùy theo kỳ hạn và phương thức gửi tiền.

Lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tại nhiều ngân hàng được niêm yết ở mức tối đa cho phép theo quy định mới tăng thêm 0,5% lên 5%/năm. Hiện lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài đã vượt mốc 8%/năm.

Trong đó, các ngân hàng cổ phần nhà nước như: VietinBank, Vietcombank, Agribank và BIDV đã chính thức công bố biểu lãi suất huy động mới, với mức tăng từ 0,8-1,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn.

Đơn cử như ngân hàng Vietcombank cho biết hình thức gửi tại quầy các kỳ hạn 1-3 tháng được ngân hàng tăng 1 điểm % lên 4,1-4,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,8 điểm phần trăm lên 6,4%/năm và các kỳ hạn 24 tháng trở lên được điều chỉnh tăng 1 điểm phần trăm, hiện cùng ở mức 6,4%/năm. Với gửi tiết kiệm online, mức tăng của Vietcombank còn lớn hơn. Kỳ hạn 1 tháng là 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,9%/năm, cao hơn 1,2-1,3 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Với kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng hình thức gửi online, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm, tăng 1 điểm phần trăm so trước đó.

Tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng - dưới 3 tháng tăng thêm 1 điểm %, lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng - dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Kỳ từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm, cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với trước.

Tương tự, tại Agribank, kỳ hạn 1-2 tháng được niêm yết mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng 4,4%/năm. Với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Agribank cũng nâng mạnh lãi suất lên mức 6,4%/năm, cùng tăng 0,8 điểm %.

Người dân và doanh nghiệp bất động sản như “ngồi trên đống lửa”

Chia sẻ với PV Reatimes, ông Vũ Bá Thức, Giám đốc kinh doanh công ty SGO Property cho biết, xét cả về phương diện của doanh nghiệp, nhà đầu tư hay người mua nhà để ở đều cũng sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc. Phần lớn các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều sử dụng nguồn vốn ngân hàng để hoạt động và đầu tư, khi lãi suất huy động tăng thì sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng, nên rất nhiều kế hoạch tài chính cần phải điều chỉnh để cân đối lại. Tất nhiên ai đã và đang sử dụng nguồn vốn ngân hàng để kinh doanh càng nhiều thì càng phải lo lắng hơn.

"Về phía khách hàng mua nhà để ở thực cũng gặp những khó khăn nhất định. Đối tượng khách hàng này cũng có bộ phận cần đòn bẩy tài chính để mua nhà, phần còn lại thì có thể sử dụng nguồn vốn tự có. Tuy nhiên, nhìn vào giá bất động sản thời gian gần đây, đặc biệt ở 2 thành phố lớn thì đã tăng rất nhiều so với khoảng vài năm trở về trước. Nguyên nhân tăng đến từ nhiều nguyên nhân như nguồn cung ra thị trường giảm, nhu cầu về nhà ở thì luôn lớn, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng hay lạm phát. Chính vì vậy, đối với đối tượng là khách hàng mua nhà ở thực thì cũng sẽ rất khó khăn để có thể giao dịch trong giai đoạn này khi sản phẩm tăng và lãi suất ngân hàng cũng tăng theo", ông Thức bày tỏ.

Cũng theo ông Vũ Bá Thức, nhìn lại thị trường ngắn hạn trong giai đoạn cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 là một sự bùng nổ, cho đến khoảng tháng 4, tháng 5 năm nay thì rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã không đủ tiềm lực tài chính để duy trì, dẫn đến việc phải giải thể.

Bên cạnh đó là lượng lớn nhà đầu tư đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi tiền bị kẹt trong bất động sản chưa thể thoát ra được, mà trong đó phần lớn các nhà đầu tư sử dụng đến vốn vay của ngân hàng.

"Theo tôi thấy bất kỳ sự điều chỉnh nào từ phía ngân hàng cũng sẽ ảnh hưởng đến tất cả các ngành kinh doanh, trong đó bất động sản có thể nói là ngành cảm nhận được sự tác động rất nhanh. Chắc chắn về thị trường sẽ có nhiều biến động, khả năng thanh khoản có thể sẽ chịu đôi chút khó khăn. Tuy nhiên đây chưa phải là thách thức quá lớn, mà có thể coi đây là cơ hội để chứng minh được năng lực của các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư", ông Thức nói. 

Đồng thời, ông Vũ Bá Thức cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần phải có năng lực tài chính, năng lực điều hành, quản lý để đưa ra những chiến lược kinh doanh hợp lý, lựa chọn những sản phẩm thật sự tốt, có tính thanh khoản cao vì thực tế đối với bất động sản thì thị trường dù thăng trầm thế nào cũng luôn có sự giao dịch ổn định ở mỗi phân khúc theo các thời điểm.

Trao đổi với PV Reatimes, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, về mặt nguyên tắc, việc tăng lãi suất huy động thì sẽ tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cho vay còn tuỳ thuộc vào nhiều nhân tố khác, trong đó NHNH thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là bằng mọi cách để cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp trong nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới. Vì vậy, NHNH sẽ có nhiều biện pháp về thị trường mở cũng như về các hoạt động cho vay, chiết khấu,… để từ đó cung cấp một nguồn vốn giá rẻ, dung hoà với lãi suất huy động tăng cao.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh còn cho biết thêm, mức độ tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực bất động sản vẫn tăng cao hơn mức độ tăng trưởng của tín dụng chung nền kinh tế. Bởi mức tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản là khoảng 12% còn tín dụng nền kinh tế chung là gần 10%.

“Rõ ràng mức độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản chủ yếu là mua nhà, sữa chữa nhà cửa,… và đây cũng là lĩnh vực được NHNH xác định sẽ cho vay trong thời gian tới. Chúng ta đang đi theo nền kinh tế thị trường thì phải chấp nhận thị trường, khi lãi suất thế giới tăng thì lãi suất Việt Nam cũng phải tăng. Nếu chúng ta không tăng thì sẽ chênh lệch lãi suất giữa đồng ngoại tệ với lãi suất đồng Việt Nam. Các nhà đầu tư tính toán lãi suất ngắn hạn là dựa trên lãi suất điều hành của Nhà nước, cũng như lãi suất của thị trường, và nếu có độ giãn cách xa thì các nhà đầu tư sẽ ít đầu tư vào Việt Nam.

Mặt khác, nếu lãi suất giãn cách xa ra còn tạo ra áp lực lạm phát. Nếu muốn giữ được tỉ giá ổn định, chúng ta phải can thiệp bán ngoại tệ điều chỉnh tỉ giá nhưng đồng thời cũng phải tăng lãi suất cho phù hợp với các quốc gia xung quanh và thế giới”, ông Thịnh nói.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, về cơ bản việc tăng lãi suất là khó khăn chung của nền kinh tế với tất cả các doanh nghiệp. Điều này sẽ tác động đến chi phí vốn, trước mắt NHNH sẽ can thiệp nhưng không thể can thiệp mãi. Vì thế về lâu dài việc tăng lãi suất huy động sẽ phải tăng mặt bằng lãi suất vay vốn và sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, người vay mua nhà cần phải tính toán cân nhắc khả năng vay nợ và trả nợ của mình. Đồng thời phải tính đến chuyện lãi suất vay nợ sẽ tăng trong thời gian tới để xem xét trong khả năng trả nợ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top