Tại phiên giao dịch hôm qua (3/2), lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng thêm 0,50 đến 0,71 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó.
Cụ thể, các mức lãi suất dừng ở qua đêm 2,15%; 1 tuần 2,27%; 2 tuần 2,38% và 1 tháng 2,38%.
Lãi suất VND liên ngân hàng tăng nhanh thể hiện thanh khoản hệ thống có phần căng thẳng. Ngân hàng Nhà nước đã phải hỗ trợ nguồn bằng cách chào thầu thêm 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố OMO, kỳ hạn được tăng từ 7 ngày lên 14 ngày (2 tuần).
Có thể thấy, mức lãi suất hỗ trợ nguồn của Ngân hàng Nhà nước cho kỳ hạn 2 tuần là 2,5%/năm cao hơn mức lãi suất tương ứng trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn có 4.850,4 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này. Đồng nghĩa, nhà điều hành bơm ròng thêm khoản tiền tương ứng ra thị trường.
Trước đó, trong phiên 2/2, trên OMO ghi nhận hoạt động bơm ròng lượng lớn với 15.568,1 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày.
Luỹ kế trong 2 ngày, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 20.418,5 tỷ đồng ra thị trường. Đây cũng là khối lượng đang lưu hành trên kênh cầm cố.
Đáng chú ý, giá trị trúng thầu cao nhưng lượng thành viên tham gia không nhiều. Trong đó, phiên ngày 2/2 có 4 tổ chức, phiên ngày 3/2 chỉ có 3 tổ chức.
Trái với VND, lãi suất chào bình quân USD liên ngân hàng giữ nguyên ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tháng trong khi giảm nhẹ 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn. Giao dịch tại qua đêm 0,16%; 1 tuần 0,21%; 2 tuần 0,27% và 1 tháng 0,37%.
Như vậy, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND đã cao hơn nhiều, doãng rộng chênh lệch so với lãi suất USD.
Chênh lệch lãi suất tác động mạnh đến tỷ giá và khi chốt chặn giao mua ngay ngoại tệ của Sở Giao dịch thay bằng mua kỳ hạn 6 tháng thì đà rơi tỷ giá vẫn chưa dừng. Trên thị trường liên ngân hàng tỷ giá giảm 18 VND so với phiên liền trước, chốt ở mức 23.019 VND/USD.
Còn tại thị trường tự do, tỷ giá tăng 10 VND ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Giao dịch tại 23.560 - 23.600 VND/USD.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ, trong ngày 3/2, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được 80/6.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 1,3%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại, riêng kỳ hạn 20 năm huy động được 80/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 20 năm giữ nguyên tại 2,89%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm nhẹ ở kỳ hạn 10 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại. Cụ thể 3 năm 0,75%; 5 năm 1,16%; 7 năm 1,40%; 10 năm 2,26%; 15 năm 2,46%.