Theo báo cáo tài chính tiền tệ tháng 4/2018 của Công ty Chứng khoán SSI, trong 3 tháng đầu năm 2018, thị trường tiền tệ ngân hàng được thừa hưởng các yếu tố hỗ trợ từ năm 2017 và duy trì ở trạng thái rất tốt. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, tình hình có những thay đổi rõ rệt với thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dồi dào và lãi suất bắt đầu chuyển sang xu hướng tăng. Điểm tích cực là tỷ giá duy trì khá ổn định và giảm nhẹ so với tháng trước.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục phát hành tín phiếu trong tháng 3 và hút ròng 66.000 tỷ đồng dư thừa trên hệ thống, thanh khoản hệ thống ngân hàng giảm đi đáng kể và được phản ánh rõ trong các giao dịch thị trường mở (OMO). Khối lượng tín phiếu phát hành mới giảm mạnh từ 130.000 xuống 68.000 tỷ, trong khi khối lượng đáo hạn tăng từ 64.000 lên 126.000 tỷ, theo đó đã có khoảng 59.000 tỷ đồng được đưa trở lại hệ thống.
Mặc dù giảm mạnh, khối lượng tín phiếu đang lưu hành vẫn ở mức cao với 67.000 tỷ đồng, là bước đệm thanh khoản khá tốt trước khi các ngân hàng vay OMO.
Nhu cầu thanh khoản tăng cũng đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng. Lãi suất các kỳ hạn ngắn như kỳ hạn qua đêm và 1 tuần đều vượt ngưỡng 1%, tăng khoảng 0,7 điểm% so với cuối tháng 3 lên tương ứng 1,44% và 1,58%. Các kỳ hạn dài có mức tăng nhẹ hơn.
Lợi suất trái phiếu cũng đảo chiều chuyển sang xu hướng tăng kể từ giữa tháng 4. Mặc dù tình hình lạm phát vẫn được kiểm soát tốt với CPI tháng 4 tăng 2,75% so với cùng kỳ, các thành viên thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ tăng và đẩy lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn với mức tăng dưới 0,1 điểm%. Thị trường trái phiếu thứ cấp cũng chịu áp lực, lợi suất trái phiếu chạm đáy vào giữa tháng 4 và bật tăng khá mạnh, tới cuối tháng đã tăng từ 0,3 – 0,5 điểm% so với mức đáy.
Thị trường ngoại hối trong nước không có nhiều biến động trong bối cảnh các cân đối vĩ mô vẫn ổn định: xuất siêu được duy trì với giá trị ước tính 700 triệu USD trong tháng 4, nâng tổng giá trị xuất siêu từ đầu năm lên 3,39 tỷ USD, và dự trữ ngoại hối tăng nhẹ lên 63 tỷ USD. Tỷ giá USD/VND giảm nhẹ so với cuối tháng 3, giao dịch ở mức 22.730/22.800, tính từ đầu năm chỉ tăng 0,29%.
Trên thị trường thế giới, giá trị đồng USD phục hồi mạnh mẽ khi chỉ số Dollar Index tăng lên trên 92 điểm, đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên tăng vượt ngưỡng 3% đã gây không ít xáo trộn cho thị trường chứng khoán và đẩy giá trị đồng USD tăng mạnh.
Mặc dù lợi suất trái phiếu nhanh chóng giảm trở lại, nhà đầu tư vẫn không khỏi lo ngại đây là tín hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ đang tăng nhanh đi cùng với kế hoạch đảo ngược gói kích thích kinh tế để thu hẹp bảng cân đối của FED.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá USD, giá trị VND tăng nhanh so với các ngoại tệ khác. Trong tháng 4, tỷ giá các ngoại tệ JPY và EUR đã giảm tương ứng 2,83% và 2,02% so với VND.