Aa

Lãi suất ưu đãi 4,8% mua nhà ở xã hội: Người nghèo hoang mang chờ giải ngân

Thứ Tư, 24/08/2016 - 07:41

Chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm khi mua nhà ở xã hội nhưng đến nay nhiều người nghèo vẫn hoang mang vì những quy định khó hiểu trong điều kiện vay vốn và mòn mỏi chờ giải ngân.

Ngày 6/6/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin người thu nhập thấp vẫn có cơ hội mua nhà ở giá rẻ, đó là mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ với lãi suất ưu đãi 4,8%, quyết định có hiệu lực đến hết 31/12/2016. Tuy nhiên phải đến cuối tháng 7, Ngân hàng Chính sách xã hội ( VBPS)  mới có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội. Và khi chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc chương trình này, nhiều người mong muốn được vay tiền để mua nhà vẫn tỏ ra lúng túng.

Ngân hàng chính sách "làm khó" người nghèo?

Ngay khi có hướng dẫn nghiệp vụ chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội lãi suất 4,8%/năm, nhiều người đã thắc mắc về quy định người vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại đây với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.

Cũng bởi vì quy định này mà nhiều người cho rằng Ngân hàng Chính sách xã hội đang gây khó dễ cho người vay vốn. Vì đã là tín dụng ưu đãi đối với người có thu nhập thấp giờ lại đòi hỏi người vay vốn sẽ vừa phải trả lãi ngân hàng vừa phải có một khoản gửi tiết kiệm tại ngân hàng đó. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định mức tiết kiệm hàng tháng bằng mức vay là không hợp lý đối với người thu nhập thấp.  

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trước thắc mắc này của dư luận, ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội giải thích với báo chí, quy định này chỉ là nhằm tạo cho người vay có ý thức trả nợ chứ không hề gây thêm khó khăn bởi thực tế trong năm đầu tiên vay, khách hàng được ân hạn gốc một năm.

Trả lời PV Reatimes, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, quy định này là hết sức bình thường và không có ý gây khó dễ cho người vay; tiền gửi tiết kiệm chỉ nhằm buộc người vay phải có trách nhiệm trả nợ với ngân hàng.

Cùng quan điểm, ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho rằng VBPS phải làm chặt chẽ điều này, Nhà nước chỉ hỗ trợ phần chênh lệch 50% lãi suất, ngân hàng vẫn phải tự huy động vốn vay nên quy định số tiết kiệm là hợp lý.

Mòn mỏi chờ giải ngân

Chưa hết xôn xao về quy định điều kiện vay vốn, người dân lại hoang mang vì chỉ còn 4 tháng nữa là hết thời hạn triển khai chương trình ưu đãi vay mua, thuê nhà ở xã hội với lãi suất 4,8/năm, vậy mà giờ ngân hàng vẫn chưa giải ngân.

Theo đại diện Chính sách Ngân hàng xã hội, kể từ ngày 15/8/2016 thì chương trình cho vay, mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm chính thức có hiệu lực, nhưng các đối tượng có nhu cầu vay vốn theo diện chương trình này có thể vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa do đang chờ nguồn vốn từ Chính phủ.

Như vậy, kể từ khi có quyết định của NHNN đến nay là đã hơn 2 tháng, gói tín dụng hỗ trợ này mới chính thức được triển khai. Đánh giá về quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng việc triển khai này quá chậm, tuy đã có chủ trương nhưng không tìm được vốn thì sẽ không chỉ khiến chương trình bị chậm trễ mà còn ảnh hưởng tới tâm lý xã hội.

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho biết, dù chương trình bị chậm nhưng Ngân hàng vẫn sẽ bố trí và sắp xếp khoảng 1.000 tỷ đồng để giải ngân năm 2016. Nếu được Ngân sách nhà nước bố trí 1.000 tỷ thì tương đương dư nợ trong năm 2016 được phép giải ngân 2.000 tỷ cho chương trình. Như vậy, 50% vốn sẽ do VBPS huy động và 50% sẽ phải chờ Chính phủ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Ngân hàng Chính sách cũng đã có kế hoạch gửi cho các bộ ngành chức năng để trình Chính phủ thu xếp các nguồn vốn cho chương trình này

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top