Xu hướng đòng loạt giảm lãi suất của nhiều ngân hàng đã kéo theo mức lãi cho vay mua bất động sản có phần hạ nhiệt. Mức lãi suất ưu đãi hiện đang dao động từ 6,49 - 11,5%/năm.
Với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đầu năm 2020, lãi suất vay giữ ở mức 8%/năm đối với gói vay ưu đãi 12 tháng và 9%/năm đối với gói vay 24 tháng thì nay đã giảm xuống 7,8%/năm với gói vay 12 tháng và 8,8%/năm với gói vay 24 tháng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 8,1% xuống 7,7% với gói vay ưu đãi 12 tháng, Ngân hàng này cũng có tới 7 lựa chọn ưu đãi lãi suất vay mua nhà, với lãi suất từ 7,7 - 12,2%/năm. Thời gian hoàn trả khoản vay lên đến 15 năm.
Ngân hàng VIB, thời điểm đầu năm cho vay ở mức 10,4%/năm thì đến tháng 7 đã giảm xuống 10,1%/năm.
Lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng TPBank giảm khá mạnh từ 10,5%/năm hồi tháng 3 xuống 9,5%/năm ở thời điểm hiện tại.
Khối ngân hàng nước ngoài cũng nhập cuộc giảm lãi suất. Shinhan Bank giảm từ 7,8% xuống 6,9% đối với gói vay ưu đãi 12 tháng; giảm từ 8,6%/năm xuống 7,7%/năm đối với gói vay ưu đãi 24 tháng và giảm từ 10,1%/năm xuống 8,8%/năm đối với gói vay ưu đãi 36 tháng. WooriBank cũng đưa ra mức lãi suất cho vay mua bất động sản ưu đãi, chỉ từ 7%/năm trong năm đầu tiên và biên độ lãi suất là 1,3% trong các năm tiếp theo.
Theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất và vay vốn mới cho đầu tư, tiêu dùng bất động sản đang giảm từ 0,5 - 2%/năm so với đầu năm. Đây là cơ hội là người mua sử dụng đòn bẩy tài chính.
Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất đến cầu mua bất động sản của khách hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức giảm của ngân hàng với lãi suất hạ chỉ khoảng 0.2% chưa phải là mức hấp dẫn làm nóng thị trường bất động sản. Vị chuyên gia này cho rằng, tâm lý của người dân vẫn còn lo ngại về tác động mạnh của dịch Covid-19 đến nền kinh tế nên sự e ngại xuống tiền vẫn lớn. Yếu tố quyết định mua nhà đến phần lớn từ chất lượng, tiến độ của dự án.
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay bất động sản nhưng tâm lý của người mua đang trở nên thận trọng khi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Lãi suất giảm có nguyên nhân quan trọng từ người vay mua bất động sản giảm, tức là người dân chưa mặn mà việc mua nhà đất, do họ cũng đang gặp hoặc phòng ngừa sự suy giảm thu nhập từ suy thoái kinh tế. Thực tế có những giai đoạn lãi suất khá cao nhưng nhà đầu tư vẫn lấy tiền ra mua nhà đất vì thấy cơ hội tăng. Trong trường hợp này thì ngược lại, dù lãi suất có giảm, nhưng nhà đầu tư chưa vội hoặc chưa dám xuống tiền vì đang gặp khó về thu nhập, hoặc chưa thấy khả năng tăng giá” – ông Hiển phân tích.
Theo TS. Cấn Văn Lực, bất động sản là phân khúc đầu tư nhiều tiềm năng vì là nhu cầu thực, tuy nhiên, việc giảm lãi suất chỉ là một trong các biện pháp kích cầu thông thường, vấn đề quan trọng là người dân có tiền để mua nhà ở không.
Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Hoàng Lài, Phó Tổng Giám đốc La Luna Resort cho rằng, việc giảm lãi suất lần này cũng chỉ có ý nghĩa tâm lý nhất định. Nếu giảm khoảng 1%, thì với một căn hộ có giá 3 tỷ đồng, mức giảm trên cũng là không được bao nhiêu so với số tiền mà người mua nhà phải bỏ ra. Đó là còn chưa kể đến việc hiện tại, ai cũng thấp thỏm lo đến việc thu nhập trong tương lai, khi công ăn việc làm bấp bênh, việc trước mắt là phải thắt chặt chi tiêu. Bà Hoàng Lài cho rằng, quyết định mua nhà đất không phụ thuộc nhiều vào lãi suất mà chủ yếu là do người có nhu cầu ở thực hoặc nhìn thấy cơ hội đầu tư sinh lời.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, đây là thời điểm lựa chọn sản phẩm ưng ý khi người mua xác định rõ được kế hoạch trả nợ trong tương lai. Liên quan đến bài toán cơ cấu vay trong tổng mức giá sản phẩm bất động sản, TS. Cấn Văn Lực khuyên rằng, trong bối cảnh hiện tại, khoản vay không nên quá cao và chỉ chiếm 30 - 35% giá trị khoản đầu tư là hợp lý.