Aa

Lãi vay giảm, cơ hội cho doanh nghiệp

Thứ Sáu, 07/07/2023 - 14:32

Mặt bằng lãi suất cho vay, bao gồm cả các khoản vay cũ và mới, đã giảm mạnh về ngang bằng với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Lãi suất giảm, vấn đề là nhu cầu

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, lãi suất các khoản vay cũ và mới đã giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2022 sau các quyết định cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN.

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thép Khương Mai cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp của ông đã được các ngân hàng giảm lãi suất 2 - 3 lần, mỗi lần giảm từ 0,2 - 0,3%. Hiện doanh nghiệp đang vay vốn với lãi suất chỉ 8,5%/năm.

Theo ông Khương, các doanh nghiệp ngành thép sử dụng vốn ngân hàng rất lớn, ít cũng vài chục tỷ đồng, nhiều cũng phải tới cả ngàn tỷ đồng. Với số dư nợ lớn như vậy, việc ngân hàng giảm lãi suất đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng chi phí mỗi năm. Đó là sự hỗ trợ rất quan trọng, giúp các doanh nghiệp ngành thép phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Khương đánh giá, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, cho dù ngân hàng cũng là doanh nghiệp và họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp ngành thép là đầu ra của sản phẩm tồn kho lớn.

“Tôi làm chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nghiệp thép TP.HCM, nhận thấy nhiều doanh nghiệp hiện nay doanh số giảm 50 - 70%, có những doanh nghiệp ăn cả vào vốn, thậm chí ăn cả vào vốn vay”, ông nói và đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có những giải pháp để khơi thông đầu ra cho doanh nghiệp, lúc đó việc giảm lãi suất của các ngân hàng mới phát huy hiệu quả.

Ảnh minh họa.

ồng quan điểm, đại diện của một doanh nghiệp khác cho biết, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu đơn hàng để sản xuất. Vì thế nên dù ngân hàng tiếp xúc với doanh nghiệp đề nghị cho vay vốn mới với lãi suất ưu đãi, nhưng do hàng hóa không bán được, dư nợ cũ còn chưa trả được nên nhu cầu vay vốn rất ít.

Trong khi đó, theo phản ánh của lãnh đạo nhiều ngân hàng, tín dụng tăng chậm cũng khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh doanh sụt giảm bởi vốn huy động về mà không cho vay ra được, song các ngân hàng vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, hiện sức cầu cả trong nước và nước ngoài đều giảm mạnh khiến hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, hệ quả là nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động, khiến cầu tín dụng giảm.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, bởi hạ chuẩn sẽ đi cùng với rủi ro nợ xấu.

Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Hiện cũng có khá nhiều ý kiến đề xuất ngân hàng nên đẩy mạnh cho vay tín chấp do tài sản của doanh nghiệp đã được thế chấp hết cho những khoản vay cũ. Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM giải thích, hiện nay cơ chế cho vay không gò bó ngân hàng thương mại cho vay tín chấp hay cho vay có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, cho vay tín chấp sẽ khó hơn cho vay thế chấp, bởi doanh nghiệp phải tạo niềm tin tuyệt đối vào bên cho vay vốn, thông qua việc doanh nghiệp đã có lịch sử vay vốn uy tín, mức độ tín nhiệm cao, thông tin doanh nghiệp minh bạch, ngân hàng kiểm soát được dòng tiền...

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, phương châm hoạt động của NHNN chi nhánh TP.HCM hiện nay là nếu doanh nghiệp nào có khó khăn trong tiếp cận vốn, hoặc có dư nợ lãi suất cao trong giai đoạn trước chưa được giảm, đơn vị phản ánh với NHNN chi nhánh thành phố để kết nối trực tiếp với tổ chức tín dụng, qua đó hai bên thỏa thuận giảm lãi vay cũ và vay vốn mới với lãi suất phù hợp.

Trên thực tế, thời gian qua NHNN chi nhánh TP.HCM đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, để qua đó thu thập thông tin cũng như trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp; đồng thời giải đáp nhiều thắc mắc về cơ chế chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá…

Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, đầu năm 2023, có 20 tổ chức tín dụng đăng ký một gói tín dụng ưu đãi trị giá 453.070 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 283.553,25 tỷ đồng cho 47.846 khách hàng.

Ngoài ra, gói hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN đến nay có dư nợ tín dụng khoảng gần 19.000 tỷ đồng, với số lãi suất hỗ trợ đạt 126,29 tỷ đồng cho 308 doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện dự án xây nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn ước tăng 3,5% so với cuối năm 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ, phù hợp với tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn là 3,55%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top