Đua giảm lãi vay mua nhà
Từ đầu tháng 8, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,2 - 1,3 điểm phần trăm. Mức lãi suất ưu đãi hiện dao động từ 6,49 - 11,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất sau thời gian ưu đãi được tính theo mức lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất tiết kiệm) cộng thêm biên độ 3 - 4% tùy từng ngân hàng, phổ biến từ 8,5 - 11,5%/năm.
Cụ thể, với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), gói vay ưu đãi 12 tháng được giảm từ 8% xuống 7,8% và gói vay ưu đãi 24 tháng được hạ lãi suất từ 9% xuống 8,8%/năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay tại ngân hàng này vẫn giữ nguyên ở mức 10,1%/năm. BIDV cho vay lên tới 100% nhu cầu vay vốn, thời hạn vay kéo dài đến 20 năm, lãi suất được tính trên dư nợ giảm dần.
Với gói vay ưu đãi 12 tháng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 8,1% xuống 7,7%. Ngân hàng này cũng có tới 7 lựa chọn ưu đãi lãi suất vay mua nhà, với lãi suất từ 7,7 - 12,2%/năm. Thời gian hoàn trả khoản vay lên đến 15 năm.
Tương tự, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đưa ra mức lãi suất cho vay mua nhà từ 8,1 - 10,5%/năm. Thời hạn cho vay tối đa tới 20 năm. Hạn mức cho vay đến 80% tổng nhu cầu vốn.
Ngoài ra, hàng loạt các ngân hàng khác cũng có những điều chỉnh về lãi vay cho người mua nhà. Mức giảm chung dao động trong khoảng từ 0,2 - 1,3 điểm phần trăm. Tại Vietcombank, lãi suất được giảm từ 8,1%/năm xuống 7,7%/năm với gói vay ưu đãi 12 tháng; còn tại BIDV gói vay ưu đãi 12 tháng giảm từ 8%/năm xuống 7,8%/năm; gói vay ưu đãi 24 tháng được hạ lãi suất từ 9%/năm xuống 8,8%/năm…
Tác động vừa phải
Nhìn nhận về tác động của việc giảm lãi suất đến sự hung phấn của thị trường, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất có thể coi là động thái kích cầu thị trường, nhiều khách hàng sẽ mạnh dạn vay vốn để mua bất động sản. Tuy nhiên, sự kích cầu này chỉ phát huy hiệu quả khi mức giảm phải đáng kể. Với các mức giảm thấp như khoảng 0,2% thì chưa phải là mức hấp dẫn, mục tiêu kích cầu chỉ đạt được khi mức giảm ở mức khoảng 1%.
Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, lâu nay, tín dụng bất động sản nhà ở vẫn được khuyến khích cho vay, vì trọng số rủi ro chỉ ở mức khoảng 50%. Bất động sản cũng là phân khúc đầu tư nhiều tiềm năng vì là nhu cầu thực, tuy nhiên, việc giảm lãi suất chỉ là một trong các biện pháp kích cầu thông thường, vấn đề quan trọng là người dân có tiền để mua nhà ở không.
Đồng quan điểm về gốc rễ vấn đề là người dân có tiền mua nhà hay không, bà Hoàng Lài, Phó tổng giám đốc La Luna Resort cho rằng, việc giảm lãi suất lần này cũng chỉ có ý nghĩa tâm lý nhất định. Vì nếu giảm khoảng 1%, thì với một căn hộ có giá 3 tỷ đồng, mức giảm trên cũng là không được bao nhiêu so với số tiền mà người mua nhà phải bỏ ra. Đó là còn chưa kể đến việc hiện tại, ai cũng thấp thỏm lo đến việc thu nhập trong tương lai, khi công ăn việc làm bấp bênh, việc trước mắt là phải thắt chặt chi tiêu.
Do đó, quyết định mua nhà đất không phụ thuộc lắm vào lãi suất mà chủ yếu là do người có nhu cầu ở thực hoặc nhìn thấy cơ hội đầu tư sinh lời.
Cần hỗ trợ trong ngắn hạn
Ở một góc nhìn khác, theo ông Terence Alford, Giám đốc Phòng Thị trường vốn và Dịch vụ Đầu tư Colliers Việt Nam, lãi suất ngân hàng giảm mạnh sẽ giúp kích thích nhu cầu vay thế chấp nhà mới và tái cấp vốn cho khoản vay mua nhà.
Nhìn nhận về bản chất việc giảm lãi suất, đại diện Colliers cho rằng, lãi suất thế chấp nhà ở Việt Nam từ các ngân hàng bán lẻ và ngân hàng quốc tế hoạt động tại Việt Nam đã giảm nhẹ, khoảng 0,2% đến 0,5% kể từ tháng 7/2020. Việc giảm tỷ lệ thế chấp cho người dùng này là một dấu hiệu cho thấy thị trường nhà ở Việt Nam có thể hỗ trợ cần ngắn hạn, do thị trường phản ứng với tình hình Covid-19 khiến các nhà đầu tư bất động sản và các chủ sở hữu nhà trở nên thận trọng hơn.
Đại diện Colliers Việt Nam cũng cho rằng, giảm lãi suất cho các khoản vay thế chấp mua nhà sẽ hỗ trợ kích thích nhu cầu vay thế chấp nhà mới cũng như tái cấp vốn cho khoản vay mua nhà hiện tại. Việc giảm lãi suất thường dẫn đến việc tăng giá của người dùng cuối. Chính sách tiền tệ này kết hợp với nhu cầu trong nước và quốc tế về nhà ở xây mới tại các thành phố chính là TP.HCM và Hà Nội, cùng với nguồn cung hạn chế sẽ đảm bảo giá trị đất ở sẽ không giảm trong ngắn hạn và trung hạn.
Đánh giá về động thái giảm lãi suất vay mua nhà của các ngân hàng, ông Hiếu cho rằng, điều này có thể tác động đến tâm lý người mua nếu mức giảm đủ hấp dẫn. Tuy nhiên, còn một câu chuyện khác là khả năng hoàn thành dự án với các chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư nếu vì thiếu vốn khiến dự án bị tạm dừng thì phải tìm nguồn vốn thay thế. Bởi trên thực tế, có những dự án đã đi đến giai đoạn hoàn thiện nhưng chủ đầu tư không thể xoay xở được dòng tiền nên dự án bị đình trệ suốt một thời gian dài.
“Đơn giản nhất là trường hợp dự án có nguồn cấp vốn ban đầu là ngân hàng, nhưng khi chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ thì ngân hàng không tiếp tục cho vay dẫn đến việc bị chậm, tạm dừng, thậm chí đắp chiếu. Còn việc giảm lãi suất thì gánh nặng cho nhà đầu tư nhẹ nhàng hơn khi mua nhà, nhưng nó lại không giúp được cho các dự án mà ngân hàng không tiếp tục cấp vốn”, ông Hiếu ví dụ.
Theo vị chuyên gia này, ở giai đoạn hiện tại, ngoài việc giảm lãi suất vay mua nhà, cũng cần có các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư để thực hiện dự án hiệu quả, đúng tiến độ.
Các nhà đầu tư luôn trông đợi việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là tại thời điểm này để các dự án có thể được triển khai sớm. Đó là về góc độ mong chờ chính sách. Nhưng mặt khác, các nhà đầu tư cũng cần có kế hoạch tài chính cụ thể cho tương lai. Ví dụ khi thị trường đang trầm lắng như hiện tại, kể cả dự án hoàn thiện có thể cũng không bàn giao, cho thuê, vận hành được, nên cần có phương án phát triển phù hợp với thị trường, phan kỳ triển khai dự án ra sao, dùng kênh vay vốn thế nào để đảm bảo hiệu quả.