Một ngày cơ thể chúng ta thải ra trung bình1,4 lít nước nhưng lại mất tới 30 lít nước để xả sạch. Mỗi lần xả bồn cầu hết khoảng 4,5-6 lít. Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), bình quân mỗi hộ gia đình nước này dùng hơn 1.500 lít nước/ngày và số nước dùng cho xả bồn cầu chiếm nhiều nhất với 27%. Như vậy, chúng ta tiêu tốn 60% lượng nước sạch sử dụng hàng ngày chỉ để xả bồn cầu.
Có thể thấy rằng, sẽ không hề nói quá khi nói một cú giật nước bồn cầu có thể tác động đến an nguy của môi trường trái đất và sự sống còn của nhân loại.
Cũng theo báo cáo của EPA, tỷ lệ dùng nước nhiều thứ 2 là giặt giũ (22%), tắm rửa (17%), rửa bát và các sử dụng nước từ vòi (16%), nước bị rò rỉ (14%) và những mục đích sử dụng khác…
Đó là nước, còn lượng điện chúng ta tiêu thụ mỗi ngày cũng là một con số đáng giật mình. Theo số liệu từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, trung bình 1m2 nhà ở tiêu thụ điện khoảng 120kwh/năm. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có thêm 100 triệu m2 nhà ở cho ra một con số tiêu hao năng lượng rất lớn. Đó là chưa tính đến hơn 1,5 tỷ m2 nhà ở đã có hiện nay.
Nếu chúng ta áp dụng tốt các tiêu chí Công trình Xanh như nhiều quốc gia thì mức tiêu thụ điện của 1m2 nhà ở chỉ còn 60kwh/năm. Làm một phép tính đơn giản có thể thấy con số tiết kiệm được thực sự khổng lồ, giảm 50% lượng điện tiêu thụ. Với nước cũng như vậy, trong Công trình Xanh, chủ đầu tư áp dụng những thiết bị tiết kiệm nước so với công trình thông thường.
Bà Vũ Thị Kim Thoa -Trưởng đoàn Tư vấn của Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam khẳng định Công trình Xanh có thể tiết kiệm 50% năng lượng tiêu thụ trong quá trình vận hành. Trong khi chi phí vận hành chiếm hơn 80% chi phí đầu tư.
Ông Trịnh Tùng Bách – Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển Capital House từng khẳng định: "Làm Công trình Xanh đầu tư 10 nhưng có thể hưởng lợi 100, hưởng tới 50 năm suốt thời gian vận hành của tòa nhà."
Tại buổi Tập huấn báo chí về Công trình Xanh tại Việt Nam ngày 17/10 vừa qua, ông Bách chia sẻ với báo chí: "Đối với dự án Ecohome 1 và Ecohome 2, chúng tôi đã đầu tư từ 4,1 – 8,2 tỷ đồng cho cảnh quan cây xanh, mặc dù đây là hai dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đầu tư 3,7 - 5,5 tỷ đồng cho hệ thống năng lượng mặt trời để chiếu sáng cho điện công cộng.
Như vậy EcoHome 1 làm tăng 3,7 tỷ đồng đầu tư khi làm thêm hệ thống pin mặt trời, kéo theo việc tăng chi phí đối với mỗi căn hộ là 3,98 triệu đồng. Dự án EcoHome 2 thì làm tăng 8,37 triệu đồng/căn hộ khi đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời.
Đối với các dự án bất động sản sau này như EcoLife Capitol, chi phí đầu tư cho Công trình Xanh đã làm tăng thêm giá trị đầu tư tính trên mỗi căn hộ trong dự án là hơn 100 triệu đồng.
Tuy nhiên kết quả đạt được là dự án tiết kiệm được 27,5% năng lượng nước, 27,7% năng lượng điện và năng lượng tiết kiệm hàm chứa trong vật liệu giảm 27%..
Riêng tòa văn phòng cho thuê, tiết kiệm nước 46,5%, điện 23,6% và năng lượng tiết kiệm hàm chứa trong vật liệu giảm 25,6%."
Cũng theo một thống kê tại Mỹ, các công trình xây dựng tiêu thụ đến 20% năng lượng, 70% điện năng và phát thải ra 39% tổng lượng khí thải CO2 tại Mỹ, tương đương 2,1 tỷ tấn. Đặc biệt, các công trình dân dụng khi sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng để có thể được cấp chứng chỉ công trình xanh đã tiết kiệm được 30% năng lượng của toà nhà.
Với những lợi ích không thể phủ nhận này, Công trình Xanh là một nhu cầu bức thiết và là hướng đi tất yếu trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh biển đổi khí hậu đang báo động trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam.