Aa

Bài 19: Lâm Đồng: Huyện Bảo Lâm bưng bít sai phạm, tái diễn chiêu trò Địa ốc Alibaba?

Thứ Năm, 30/12/2021 - 08:38

Bất chấp việc UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cung cấp thông tin minh bạch cho báo chí, UBND huyện Bảo Lâm vẫn cố tình bưng bít thông tin liên quan đến 2 dự án ma The Tropicana Garden và Farm Hill.

Bưng bít thông tin, dấu hiệu lợi ích nhóm tại The Tropicana Garden và Farm Hill

Ngày 2/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí, theo đúng quy định.

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đã rõ, nhưng câu chuyện thực thi ở chính quyền cấp dưới lại theo kiểu “trên bảo dưới không nghe”. Cụ thể, ngày 1/11/2021, Reatimes đã gửi công văn (lần 2) đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về các khu đất được gắn mác dự án, nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi. Nếu tính thời gian Reatimes gửi công văn lần 1 đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà, ngày 12/5/2020, thì đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng thông tin vẫn bị bưng bít.

Lý do gì khiến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà bưng bít thông tin các dự án ma nói trên (điển hình là The Tropicana Garden, Farm Hill tại huyện Bảo Lâm)? Phải chăng ở đây có vấn đề “khó nói” liên quan đến “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ”, như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã thừa nhận?

Khu đất được quảng cáo dự án ma Panamera của TNT Land Group

Được biết, ngày 23/12/2021, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, ông Nguyễn Ngọc Nhi, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm đã báo cáo công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn, thời gian qua địa phương đã để xảy ra những sai phạm, tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh. Trong đó, tập trung vào các vụ việc hiến đất mở đường sai quy định và tình trạng xây dựng các dự án bất động sản không phép xảy ra tại một số địa phương như Lộc Tân, Lộc Quảng, B’Lá và Lộc An... 

Trong khi đó, ông Trần Văn Hiệp nhấn mạnh, trước những tồn tại, vướng mắc đã xảy ra trên lĩnh vực đất đai, xây dựng là không thể phủ nhận và trách nhiệm thuộc về vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu địa phương; cùng với đó, là trách nhiệm của một số sở, ngành liên quan. Vì vậy, huyện Bảo Lâm phải phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xử lý dứt điểm các sai phạm, tồn tại theo đúng quy định của pháp luật. Việc kiểm tra, xử lý phải đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh trường hợp bao che, nới lỏng gây bức xúc trong dư luận.

Cảnh giác chiêu trò cam kết lợi nhuận kiểu Địa ốc Alibaba tại dự án ma Panamera của TNT Land Group

Trong bối cảnh thị trường bất động sản Lâm Đồng có nhiều biến động do việc thanh tra, điều tra của các cơ quan chức năng, Công ty TNHH TNT Land Group (có địa chỉ trụ sở chính tại 73 Dương Văn An, phường  An Phú, thành phố Thủ Đức, chi nhánh tại 891 Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc phát, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) vẫn liên tục tung ra các sản phẩm mới.

Dự án ma Panamera của TNT Land Group quảng cáo có công viên hoành tráng, trong khi khu vực này là đất cá nhân không có quy hoạch công viên

Công ty TNHH TNT Land Group trước đó được quảng cáo là chủ đầu tư dự án ma Farm Hill - dự án ma đến nay vẫn được UBND huyện Bảo Lâm bưng bít thông tin sai phạm với báo chí.

Mới đây, TNT Land Group đưa ra thị trường dự án ma mang tên Panamera quy mô lên đến 5ha. Điểm đặc biệt là dự án ma này được quảng cáo cam kết mua lại với lợi nhuận 10%/năm như kiểu Địa ốc Alibaba đã cam kết trước đây.

Mẫu văn bản cam kết mua lại sản phẩm kèm lợi nhuận 10% của Công ty TNHH Panamera (một công ty vừa mới thành lập). Cam kết này chỉ là lời hứa suông và không có chế tài xử lý.

Như Reatimes đã thông tin trong bài Nhận diện “bẫy” cam kết lợi nhuận, cam kết mua lại, theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc cam kết lợi nhuận của nhiều chủ đầu tư trên thị trường địa ốc thực chất là cam kết chữ tín của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Việc này đôi khi không có bất cứ ràng buộc nào về mặt pháp lý.

“Ngay cả hợp đồng thương mại, chuyện không trả lợi nhuận được là chuyện bình thường. Dù hợp đồng chặt chẽ về pháp lý, nhưng chủ đầu tư không có tiền trả thì không ai làm được gì. Việc cam kết này chỉ có thể đảm bảo nếu có ngân hàng bảo lãnh, nếu chủ đầu tư không thực hiện việc đó thì ngân hàng phải chi tiền, như vậy cam kết mới có độ tin cậy cao”, ông Hiển nói.

Ông Hiển phân tích, các công ty bất động sản ở nước ngoài luôn được xếp vào dạng đầu tư tài chính, tức là có nguồn vốn, tài chính vững chắc. Như vậy, khi triển khai dự án, họ có nguồn lực tài chính để bảo đảm hợp đồng. Còn các công ty địa ốc Việt Nam có nguồn vốn rất lớn, nhưng phần vốn vay lại lớn hơn. Rõ ràng tính chất đầu tư tài chính của các công ty bất động sản Việt Nam không mạnh như nước ngoài. Nguồn vốn liên tục xoay vòng kinh doanh nên thường độ tin cậy không cao.

Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Ngọc Hải là người ký Giấy chứng nhận cho các nền đất tại dự án ma Panamera

“Rất nhiều doanh nghiệp có tài chính khổng lồ, thậm chí doanh nghiệp nhà nước, khi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính, quản lý yếu kém, do chu kỳ thị trường thì vẫn sụp đổ như thường. Việc đánh giá, phân tích tài chính chỉ mang tính chất tương đối. Có thể doanh nghiệp có nguồn vốn vay rất lớn nhưng tài sản đối ứng lại không đủ mạnh. Nhiều tài sản vào giai đoạn suy thoái không thể quy đổi thành tiền được.

Nhiều năm nay, công ty xử lý nợ không giải quyết được bao nhiêu nợ xấu từ bất động sản. Nếu chủ đầu tư cơ cấu nợ cao, khi thị trường rơi vào cảnh suy thoái thì không có khả năng thanh toán lợi nhuận cho khách hàng là bình thường. Suy thoái mạnh nhất, khó gỡ nhất hiện nay đều nằm trong bất động sản, dù cả trên thế giới lẫn Việt Nam”, ông Hiển nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top