Aa

Bài 51: Lâm Đồng xử lý nghiêm các dự án nghỉ dưỡng, phân lô bán nền không đúng quy định

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Năm, 16/02/2023 - 09:20

Ngày 10/2/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 922/UBND-XD về việc thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, biệt thự nghỉ dưỡng, phân lô, bán nền trên địa bàn toàn tỉnh năm 2023.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng kiểm tra việc đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm về quy hoạch, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó là vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là các dự án khu dân cư, khu du lịch nghỉ dưỡng, dự án phân lô bán nền.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về pháp luật đầu tư; rà soát các dự án nhà ở, bất động sản, đánh giá nguyên nhân, đề xuất cụ thể các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để xem xét thu hồi theo quy định.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc chủ động thực hiện công tác quản lý nhà nước tại các địa phương; thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm thực hiện kiểm tra, quản lý xây dựng theo Giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng; kịp thời phát hiện và xử lý ngay hành vi vi phạm về đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng cái các dự án theo quy định.

Nhiều đồi chè ở Lâm Đồng bị "băm nát" để phân lô bán nền

Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Lâm Đồng đình chỉ 3 cán bộ tiếp tay cho phân lô bán nền trái phép, từ cuối năm 2020 đến nay, tại TP Bảo Lộc, việc phân lô, bán nền diễn ra nở rộ, tràn lan. Hàng loạt dự án ma liên tục xuất hiện, quảng cáo rầm rộ, dẫn đến tình trạng đất bị thổi giá, mất cân bằng thị trường bất động sản trên địa bàn. Hồi tháng 4/2021, Bộ Tài nguyên – Môi trường công bố thanh tra hoạt động phân lô, bán nền tại tỉnh Lâm Đồng, trong đó có TP Bảo Lộc.

Trước tình trạng này, ngày 2/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa trên địa  bàn tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND các huyện, thành phố tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa đất trên địa bàn tỉnh đến khi có ý kiến chỉ đạo tiếp theo của UBND tỉnh (trừ trường hợp hồ sơ tách thửa do tặng, cho trong gia đình). 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng ngày 2/6/2021, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng có công văn số 1461/STNMT-VP chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai rà soát toàn bộ hồ sơ tách thửa đã tiếp nhận và đang tồn động do vướng mắc về yêu cầu hình thành đường giao thông. Cơ quan này cũng tạm dừng tiếp nhận các hồ sơ tách thửa phát sinh cho đến khi có quyết định điều chỉnh của UBND tỉnh và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Các nhiệm vụ trên phải thực hiện ngay và báo cáo Giám đốc Sở trước ngày 10/6/2021.

“Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Sở được phân công và các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở được giao nhiệm vụ, nghiêm túc thực hiện nội dung, đồng thời chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về nội dung và tiến độ thực hiện”, Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo. 

Trước đó, tại một số địa phương ở Lâm Đồng có tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tự nguyện hiến đất làm đường đi chung diễn ra tương đối phổ biến. Việc hiến đất với mục đích khi làm hồ sơ xin cấp phép là mở đường đi chung cho các hộ dân xung quanh, đường đi phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp và thuận lợi cho việc sử dụng đất của gia đình...

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát một số nội dung có liên quan, cơ quan chức năng nhận thấy mục đích hiến đất làm đường đi chung của nhiều hồ sơ là phục vụ cho việc tách thửa, nhiều trường hợp biến tướng hình thành các khu đất không phải là dự án nhưng được doanh nghiệp, cá nhân rao bán tràn lan, công khai. 

Đến ngày 23/11/2021, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký văn bản số 8502/UBND-XD, cho rằng, thời gian qua, trên địa bàn đã có nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư hạ tầng, thực hiện phân lô, bán nền, núp bóng danh nghĩa các dự án kinh doanh bất động sản, quảng cáo thông tin bán bất động sản không đúng quy định, làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản nhà ở, bất động sản của tỉnh và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Sau đó, ngày 5/7/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có chỉ đạo mới liên quan đến phân lô bán nền, trong đó có chỉ đạo việc tổ chức cá nhân phải lập dự án theo Luật Đầu tư và Nghị định 02. Theo văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Do đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu các quy định hiện hành; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các trường hợp phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản để khắc phục tình trạng người dân, doanh nghiệp tự đầu tư hạ tầng và phân lô, bán nền, mạo danh dự án bất động sản xảy ra trên địa bàn.

Hình thức hiến đất làm đường đã bị nhiều đối tượng lợi dụng trục lợi, thậm chí biến tướng để hợp thức hóa cho các dự án phân lô, bán nền

Theo các chuyên gia, dù UBND tỉnh Lâm Đồng không nói cụ thể lý do thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, điều này có liên quan đến việc địa phương này đã cho phép nhiều cá nhân đầu tư kinh doanh bất động sản quy mô lớn, mà nhiều trường hợp theo quy định phải thành lập doanh nghiệp.

Cụ thể, theo Luật sư Trần Đức Phượng, đoàn Luật sư TP.HCM, các khu vực do cá nhân phân lô bán nền quy mô hàng chục hec-ta ở Lâm Đồng đều triển khai trước năm 2022, thời điểm này Nghị định 02/2022/NĐ-CP chưa có hiệu lực, mà phải áp dụng theo Nghị định 76/2015/NĐ-CP. Theo quy định trước đây, tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015 thì trường hợp hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất) thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Trên thực tế, đối với hoạt động phân lô bán nền nhà ở của hộ gia đình, cá nhân thì vốn đầu tư vào hạ tầng (đường giao thông, thoát nước, đường dây điện) không nhiều và thường không vượt 20 tỷ đồng nên không bị bắt buộc thành lập doanh nghiệp, cá nhân chỉ chịu 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên giá chuyển nhượng (doanh nghiệp chuyển nhượng bất động sản phải chịu thêm thuế VAT 10% và thuế TNDN 20%).

“Do đó, khi có hộ gia đình, cá nhân phân lô với quy mô lớn hơn tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, thì cơ quan Nhà nước phải tiến hành kiểm tra và xem xét có phải thuộc trường hợp bắt buộc thành lập dự án hay không? Việc có thành lập dự án hay không cũng còn phải xem xét thêm Luật đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản thì mới có thể đưa ra quyết định chính xác”, Luật sư Phượng nói thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top