Theo đó, thực hiện nhiệm vụ giao tại Định hướng Chương trình thanh tra năm 2022 đã được Thủ tướng phê duyệt và chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại chương trình công tác số 14, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa trong 10 năm qua (giai đoạn 2011-2021).
TTCP yêu cầu các đơn vị báo cáo nêu rõ các nội dung: Tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng đất như tổng số vị trí đất đai và diện tích đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc quản lý của bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã thực hiện chuyển đổi sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở.
Thực tế, thời gian qua, Lâm Đồng là một trong những địa phương có nhiều khu đất doanh nghiệp nhà nước quản lý, được chuyển đổi mục đích hậu cổ phần hóa. Điển hình là khu đất vàng tại thành phố Bảo Lộc do bà Nguyễn Thụy Ngọc Linh thâu tóm, có nguồn gốc trước đây thuộc quyền sử dụng của Công ty chè Lâm Đồng. Sau khi chè Lâm Đồng cổ phần hóa, khu đất được chuyển nhượng lòng vòng trước khi đến tay bà Nguyễn Thụy Ngọc Linh.
Như Reatimes đã thông tin trong bài Nguy cơ thất thoát tài sản hậu cổ phần hoá chè Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thu hồi quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc, tại khu đất công này và cho phép bà Nguyễn Thụy Ngọc Linh được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP.HCM, trường hợp này khi cổ phần hóa công ty chè Lâm đồng thì đất thuê trả tiền hàng năm, nên quyền sử dụng đất chưa tính vào giá trị doanh ngiệp, do đó việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải theo quy định quản lý đất công, đất do doanh ngiệp có vốn nhà nước quản lý.
Sau đó, công ty Bảo Ngọc chuyển sang thuê đất trả tiền 1 lần nhưng vẫn là tài sản chưa tính vào giá trị doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng từ Công ty cổ phần chè Ngọc Bảo và Công ty cổ phần trà Rồng Vàng cho 1 doanh ngiệp khác tại 14/11/2018 và ngày 20/3/2019 là đã né tránh các quy định về quản lý tài sản công, tài sản tại doanh ngiệp nhà nước…, không theo quy định về sắp xếp. Tuy nhiên, UBND Tỉnh Lâm Đồng chỉ nhìn vào việc trả thuê đất 1 lần nên coi như là tài sản doanh nghiệp và áp dụng như các tài sản đã cổ phần hóa tính vào giá trị doanh nghiệp. Tóm lại, UBND tỉnh đã quên việc nguồn gốc đất nên việc chuyển nhượng này là không đúng. Đúng ra, doanh nghiệp Bảo Ngọc không còn nhu cầu sử dụng đất nữa thì trả lại cho nhà nước (được bồi thường về tài sản và đất).
"Việc Chủ tịch Lâm Đồng chỉ đạo thu hồi quyết định của Chủ tịch Bảo Lộc tại khu đất công, nếu tính đúng quy trình là đúng. Nhưng vẫn sai vì đã xóa nguồn gốc đất công ban đầu", luật sư Phượng nói.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng đang từng bước khắc phục sai phạm tại những khu đất công khác. Đơn cử như, dự án xây dựng khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp (King Palace) do Công ty Hoàn Cầu Đà lạt làm chủ đầu tư chính thức bị thu hồi vì lý do vi phạm Luật Đất đai và đầu tư.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định thu hồi đất thuộc dự án xây dựng khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp (King Palace) tại đường Trần Quang Diệu, phường 10, TP. Đà Lạt đã cho Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt thuê, giao cho UBND TP. Đà Lạt quản lý.
Quyết định này nêu rõ, thu hồi toàn bộ diện tích 158,632m² đất đã cho Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt thuê theo quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 09/12/2014 của UBND tỉnh và giao cho UBND TP. Đà Lạt quản lý. Lý do thu hồi là chấm dứt hoạt động dự án theo quyết định số 83/QĐ-KHĐT ngày 17/09/2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư và việc xử lý tài sản trên đất thuê UBND tỉnh thống nhất tại văn bản số 3371/UBND-XD ngày 17/05/2022.
Cũng theo quyết định này, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài chính tiếp tục rà soát về kinh phí cần hoàn trả cho Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt, theo văn bản số 3371/UBND-XD ngày 17/05/2022 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cần hoàn trả cho Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt sẽ lấy ở nguồn nào vẫn là vấn đề chưa được làm rõ. Theo các chuyên gia, cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan đến sai phạm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả./.