Aa

Làm gì để bảo đảm an toàn cho trẻ tại chung cư?

Thứ Ba, 22/01/2019 - 07:53

Xã hội phát triển, nhu cầu về nhà ở tại những TP lớn luôn tăng cao, chính vì thế những khu chung cư cao tầng được xem là cứu cánh hữu hiệu nhất, không những thế còn mang tới một diện mạo hiện đại cho những TP đó. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm mà chung cư mang lại cũng tồn tại những điều bất cập và việc bảo đảm an toàn cho trẻ em tại những khu chung cư này là một ví dụ rõ ràng nhất…

Có thể nói, với sự xuất hiện ngày càng nhiều chung cư, nhà cao tầng đã giải quyết nhu cầu rất lớn về chỗ ở của người lao động, nhất là những đôi vợ chồng trẻ mong muốn được sống tự lập sau khi lập gia đình.

Thế nhưng trong thời gian qua, tại một số khu chung cư đã xảy ra không ít những vụ tai nạn thương tâm do trẻ em ra lan can căn hộ chung cư bị ngã rơi xuống đất. Và những vụ việc đau lòng này đã cảnh báo về sự mất an toàn cho trẻ đang sinh sống tại các căn hộ chung cư.

Đơn cử như vào ngày gần cuối năm 2018, bé gái Q.A, 5 tuổi tử vong tại chỗ khi rơi từ tầng 9 thuộc chung cư Thủ Thiêm Sky tại quận 2, TP HCM. Được biết, cha mẹ của bé do bận việc nên đưa con đến gửi ông bà nội đang sống tại chung cư. Nhưng do ông bà cũng đang bận việc, chưa về nhà ngay được nên người mẹ mở cửa căn hộ, để con lại rồi khóa cửa đi. Theo nhận định của CQĐT, nhiều khả năng bé gái hiếu động đã leo lên bệ đỡ ở gần ban công căn hộ và trượt chân rơi xuống đất.

lam gi de bao dam an toan cho tre tai chung cu
Những vụ tai nạn rơi từ chung cư của trẻ nhỏ luôn tạo ra sự lo lắng trong dư luận.

Vụ việc đau lòng tương tự cũng xảy ra vào khoảng giữa tháng 7-2016, tại tòa nhà Rainbow Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, một cháu bé 6 tuổi rơi từ tầng 11 xuống tầng 2 tử vong. Gia đình nạn nhân sống trên tầng 11, tiếp giáp với giếng trời không được lắp lưới an toàn nên khi cháu bé leo lên cửa sổ chơi thì bị té ngã.

Chiều 27-5-2017, một bé trai 5 tuổi bất ngờ rơi từ tầng 17 của một chung cư ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội, cũng tử vong tại chỗ. Thời điểm xảy ra tai nạn, bé trai ở nhà cùng mẹ trong một căn hộ trên tầng 17. Bé đã leo lên ghế rồi trèo qua cửa sổ lan can, rơi xuống đất.

Tương tự, ngày 12-12-2018, sau khi đưa tiễn người ông vừa qua đời, bé L.H.H (5 tuổi) được mẹ để ở nhà một mình rồi đi chợ. Bé đã chạy ra ban công khu tập thể 137 Ngô Gia Tự, quận 10, để chơi và bị rơi xuống vỉa hè tử vong. Nhiều người chứng kiến sự việc cho biết, nhìn thấy bé L.H.H đứng một mình trên tầng 5 của căn nhà và rất gần lan can nên định thông báo cho người dân sống tại đây, nhưng chưa kịp chạy lên thì cháu đã trườn ra ngoài rồi trượt chân rơi xuống.

Gần đây nhất vào ngày 1-1-2019, một bé trai 4 tuổi người nước ngoài đã tử vong sau khi rơi từ tầng cao xuống ban công tầng 8 chung cư River Gate, quận 4, TP HCM…

Những vụ việc đau lòng này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn cho trẻ nhỏ tại các chung cư, nhà cao tầng, đặc biệt là ở khu vực lan can, ban công, cửa sổ. Nhìn lại các vụ tai nạn kể trên cho thấy, phần nhiều do trẻ con chơi đùa ở khu vực lan can hay đi tìm người thân khi gia đình chủ quan, bỏ con trẻ ngủ hoặc ở nhà một mình.

Sự việc cũng khiến nhiều người e ngại về mức độ chuẩn an toàn xây dựng của các chung cư, tòa nhà cao tầng, cũng như nhận thức của người lớn trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ nhỏ. Vì thế, đã đến lúc cần xem lại vấn đề an toàn tại ban công hay cửa sổ ở chung cư, nhà cao tầng. Gia đình có con nhỏ khi chuyển tới các căn hộ trên cao cần kiểm tra về điện, nước, gas, lối thoát hiểm và nhất là khu vực ban công, cửa sổ.

Theo chia sẻ từ một số người dân sống tại các chung cư cao tầng, những gia đình có con nhỏ nên chọn các nhà đầu tư, đơn vị thầu xây dựng có uy tín và kiểm tra kỹ trước khi vào ở. Nếu chưa thấy an toàn thì nên kiến nghị với Ban quản lý tòa nhà hay chủ đầu tư để gia cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Đại diện một chủ đầu tư căn hộ tại quận 2 cho biết: Các vụ trẻ em rơi từ lan can, ban công căn hộ chung cư, nhà cao tầng hết sức đau lòng. Có nhiều nguyên nhân như tâm lý hiếu động của trẻ, ý thức người lớn chưa cao khi không đóng chặt cửa, trông giữ con không cẩn thận.

Ngoài ra có thể kể đến khả năng lan can thiết kế chưa đủ chiều cao an toàn hoặc công trình mới xây xong, chưa hoàn thiện, chưa nghiệm thu nhưng đã cho người dân vào ở. Về thiết kế, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đảm bảo các thông số, yếu tố an toàn trong xây dựng, trong đó có hạng mục lan can, ban công; có các giải pháp công trình đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống tại các căn hộ.

Liên quan đến quy chuẩn lan can nhà chung cư nhằm đảm bảo an toàn, đại diện Bộ Xây dựng nhiều lần chia sẻ về việc Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCXDVN 05:2008/BXD về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe.

Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1 m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.

Các yêu cầu kỹ thuật này đã được nghiên cứu, cân nhắc nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo khả năng cứu nạn, cứu hộ và tự thoát nạn khi xảy ra cháy.

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, các căn hộ nên làm thêm khung bảo vệ cửa sổ, cao khoảng 1/2 khung cửa để trẻ không thể leo ra ngoài. Các cửa chính, cửa sổ cần phải có chốt khóa an toàn để trẻ không mở được; tuyệt đối không được kê giường, tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ; không được để đồ ngoài ban công khiến trẻ con trèo lên cửa sổ, gây tai nạn.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Nguyễn Tuyết Mai cho rằng, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình, nhất là các em nhỏ, tuyệt đối không được trẻ dưới 6 tuổi ở nhà một mình, vì tâm lý không thấy người lớn, trẻ thường hoảng sợ, lo lắng và hay tìm cách thoát ra ngoài để tìm người thân. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho các bé.

Nguyễn Đăng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top