Aa

Làm người mua nhà thông minh: không dễ

Thứ Tư, 30/08/2017 - 11:20

Bởi vì cái nhà, cái cửa là tài sản có giá trị lớn, có khi là tích lũy của một đời người, nên hiếm ai đi mua nhà vào thời này mà không nghĩ tới chuyện "phải thông thái" khi kiếm một dự án. Từ vị trí, giấy tờ pháp lý, giá cả, rồi đến cả phong thủy…, xem chán, xem lui nhưng cuối cùng vẫn cứ mắc bẫy như thường.

Một dự án xây đến tầng 18, khách hàng đặt cọc mua nhà mới "tá hỏa" ra chẳng phải hợp đồng đặt cọc, mà là một "HĐVV" ( xin được viết đúng như trong hợp đồng). Lý do muôn thủa, chủ đầu tư chưa có giấy phép xây dựng nên mới thế. Giờ một là "bung cọc", hai là đổ tiếp tiền, dự án xây xong rồi về mà ở, cứ thế mà chọn. Dân thì nghèo, chán cảnh đi "ở nhờ, ở đợ", lại "mắm môi, mắm lợi" cầu may dự án sẽ về đích.

Tại một dự án khác, thấy chủ đầu tư nhiệt tình quá, vẽ hươu vẽ vượn lợi tức nghỉ dưỡng tới tận 40 năm sau. Thế nhưng, chẳng hiểu sao tiền "cọc" nộp rồi mà cũng chả thấy làm. Đến lúc tìm hiểu thì mới vỡ lẽ gần như điều khoản nào cũng tuyên vô trách nhiệm (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) với chủ đầu tư. Dân thì yếu thế, chán cảnh đi kiện tụng, lại "mắm môi, mắm lợi" cầu may dự án sẽ đi về đích.

Làm nguwofi mua nhà thông minh không hề đơn giảm. (ảnh Lạc Nhật)

Làm người mua nhà thông minh không hề đơn giản. (ảnh Lạc Nhật)

Thực tế, còn nhiều cái để kể về sự "thông thái" khi đi mua nhà lắm. So với trước đây, nói người mua nhà hiện nay đã thông thái hơn hiển nhiên không ai phủ nhận, thế nhưng, cẩn trọng hơn thì khéo phải ngẫm nghĩ lại.

Giữa thiên la địa võng các thông tin về nhà đất, chiêu trò khuyến mãi như hiện nay… nói không quá, người mua nhà có lẽ dễ mắc sai lầm còn nhiều hơn cả trước. Những chiêu trò khuyến mại nay vô cùng hấp dẫn, từ tặng vàng, tặng nhà, tặng xe, thậm chí tặng thêm cả căn hộ… bảo sao ai chẳng bị cuốn hút bởi những ưu đãi vô cùng hấp dẫn như vây.

Các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo: đằng sau "ma trận" khuyến mại khủng là là hàng loạt những rủi ro có thể gặp phải.

Chẳng hạn một trong những ưu đãi mà các chủ đầu tư cũng thường hay tung ra, đó là mua nhà với lãi suất thấp 6 - 7%, thậm chí là 0% trong  năm đầu. Sự thật là khi tung ra mức lãi suất như vậy, các chủ đầu tư đã tính toán rất kĩ lưỡng bài toán bán hàng cũng như giá thành sản phẩm để bù số tiền lời đã mất. Chắc chắn, giá thành của sản phẩm đã được đẩy lên hoặc số tiền lãi mất đi sẽ được bù vào một khoản chi phí khác của khách hàng, và nếu không tỉnh tảo, người mua nhà sẽ rất dễ bị chiêu dụ theo cách thức này.

Hay vào thời điểm cuối năm, các chủ đầu tư sẽ tích cực hơn trong việc đẩy hàng để vét dòng tiền cuối năm. Chiêu thức của họ là mở bán sản phẩm theo từng đợt, tung tin sốt ảo về tình trạng khan hiếm nhà khiến người dân hoang mang và nhanh tay để chọn mua nhà với tâm lí: mua ngay kẻo hết. Để làm được điều này, họ phải bắt tay với các sàn giao dịch, cấu kết với môi giới nhằm che mắt khách hàng.

Và người mua nhà trong tình trạng mua vội, mua gấp sẽ rất dễ mắc phải những sai lầm, rủi ro và thậm chí có thể chấp nhận mua với mức giá cao. Thực chất đây chỉ là những tin sốt ảo trong một thời điểm, còn chuyện mua nhà là chuyện lâu dài, phải tính toán kĩ lưỡng.

Tuy vậy, có vẻ như do chán cái cảnh "nay đây, mai đó" ở các nhà trọ kém chất lượng, chán phải lang bạt mà nhiều người nhắm mắt bỏ tiền mua nhà mà quên đi chủ đầu tư là ai, quy định pháp lý như thế nào. Hoặc trường hợp do tâm lý đám đông của người Việt Nam, thấy cảnh chen lấn, xếp hàng để mua nhà cũng "tặc lưỡi" cố bằng mọi giá mua cho bằng được.

Hậu quả để lại sau những cú "tặc lưỡi" là tháng ngày dài kiện cáo, khiếu nại đòi quyền lợi vì chủ đầu tư trót "cắm sổ" cho ngân hàng hoặc đã "cao chạy xa bay" khi dự án còn chưa thành hình.

Đấy, làm người mua nhà thông minh chưa hẳn dễ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top