Aa

Làm nhà cao hơn nhà kế bên lợi hay hại?

Thứ Ba, 16/04/2024 - 06:00

Không ít người khi xây nhà thường có xu hướng làm cao vượt lên so với nhà xung quanh, cho rằng như thế là “phát” và khẳng định “vị thế” của mình. Nhưng điều đó xét về phong thủy lại là lợi bất cập hại.

Tâm lý thích "chơi trội"

Trong thực tế ta thấy, không ít người khi xây nhà phố có tâm lý muốn nhô cao hơn nhà xung quanh, ít nhất là cao hơn nhà bên cạnh. Có người làm cao vượt hẳn lên một hai tầng, đối với từng tầng cũng cứ phải cao hơn hàng xóm dù chỉ một chút mới thỏa mãn. Sở dĩ có hiện tượng này là xuất phát từ tâm lý nhà cao hơn là chứng tỏ về sự "hơn người" của gia chủ. Hơn về tiền bạc, địa vị và cả về danh vọng, vai vế trong xã hội (!?).

Hơn về tiền bạc thì đã rõ, có tiền nên mới làm được nhà to hơn, cao hơn, vì cao thường đi liền với to và tốn nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, cũng có người không giàu có gì cũng cứ cố sao cho cao hơn, để rồi xây nhà xong mang công mắc nợ. Còn hơn về địa vị, danh vọng thì được hiểu là nhà cao chứng tỏ hoặc là sự mong muốn ngồi cao hơn, là bậc bề trên (?!). Đối với một số kẻ hãnh tiến, làm nhà cao hơn người khác còn để thể hiện sự "ăn trên ngồi chốc", thậm chí còn thể hiện tư tưởng "đè đầu cưỡi cổ" người khác. Nhưng cũng có khi đơn giản chỉ là thích "chơi trội", cứ là phải "hơn người" mới cam lòng.

Làm nhà cao hơn nhà kế bên lợi hay hại?- Ảnh 1.

Không ít người cứ phải làm nhà nhô cao hơn nhà khác mới thỏa mãn. Ảnh minh hoạ

Thực ra, tâm lý làm nhà cao cũng một phần xuất phát từ câu nói, quan niệm "nhà cao, cửa rộng" từ thời xưa, cho rằng như thế mới thể hiện địa vị, sự sang trọng, giàu có. Tuy nhiên, cần nhìn nhận quan niệm "nhà cao, cửa rộng" với quan điểm duy vật lịch sử, tức đặt sự vật trong điều kiện, thời điểm, bối cảnh lịch sử của nó. Ngày trước, khoa học công nghệ chưa phát triển, không có các thiết bị, tiện nghi hiện đại nên "nhà cao cửa rộng" là vừa để cho sáng sủa, vừa để thông thoáng khí, lấy gió vào nhà chống nóng.

Ngày nay, con người đã có đầy đủ thiết bị chống nóng như quạt, điều hòa nhiệt độ..., nên nhà cao rộng không còn là ưu tiên số một nữa. Thậm chí, ngày nay khi làm nhà còn phải tính toán kích thước hợp lý nhất để giảm thể tích phòng bằng cách giảm chiều cao, với mục đích tối ưu không gian ở, để khi dùng điều hòa nhiệt độ làm mát phòng nhanh và đỡ tốn tiền điện. Vì vậy, làm nhà cao vượt lên với quan niệm "nhà cao cửa rộng" đã không còn thích hợp, thậm chí về phong thủy còn phạm vào điều kiêng kỵ, nhất là đối với nhà phố.

Cây cao thì gió cả...

Ở phương Tây, kiến trúc có độ cao thường là nhà thờ, trong đó cao nhất là tháp chuông. Còn ở phương Đông, công trình tâm linh phổ biến là chùa chiền, nhưng các ngôi chùa thường không có chiều cao đột biến, kể cả lầu chuông nếu có, nhưng nhiều chùa lại được làm trên núi, thậm chí là đỉnh núi. Tháp chuông nhà thờ cao vượt lên và nhà chùa xây trên núi cao có nhiều lý do, trong đó có việc để tiếng chuông vang vọng càng xa càng tốt. Và theo góc độ lý giải của phong thủy, tiếng chuông bên cạnh ý nghĩa và tác dụng là thước đo thời gian, thì sóng âm từ chuông vọng ra còn tải năng lượng từ chùa và nhà thờ để phổ độ chúng sinh, hay ban phước lành đến mọi người.

Tuy nhiên đối với nhà ở, nếu làm cao quá sẽ gây nhiều bất lợi. Thứ nhất là tốn kém tiền của, không những phải tăng chi phí về vật liệu, nhân công, mà còn tăng chi ngay từ khâu thiết kế, nhất là chi phí cho giải pháp về kiến trúc và kết cấu, trong đó quan trọng nhất là kết cấu chịu lực và giải pháp thi công. Thứ hai là nhà quá cao cũng đồng nghĩa với việc không có vật che chắn nên trực tiếp hứng chịu ánh nắng gay gắt về mùa hè và cái lạnh về mùa đông. Và nhất là phải chịu áp lực gió rất lớn, nhất là trong các trận bão tố.

Để cho dễ hiểu, hãy hình dung trong các trận cuồng phong, những ngôi nhà cao thường phải hứng chịu gió mạnh nhất, còn cây cối bị gãy đổ thường cũng là cây cao. Trong giông tố, sét cũng thường đánh vào những nơi cao vượt lên. Vì thế mà người xưa đã có câu "cây cao gió cả". Cho nên, loài người trên khắp thế giới khi làm nhà ở đều chú trọng yếu tố hài hòa với môi trường, tỷ lệ kích thước sao cho tối ưu và tránh làm nhà quá cao so với xung quanh.

Làm nhà cao hơn nhà kế bên lợi hay hại?- Ảnh 2.

Những tòa cao ốc là trung tâm thương mại, văn phòng hay chung cư cao tầng là một dạng khác có tính chất phong thủy riêng.

Trong phong thủy, điểm cốt yếu là Khí. Khí chứa năng lượng, năng lượng ấy tác động vào con người và vạn vật mang lại kết quả tốt hay xấu tùy thuộc vào tính chất của Khí. Cũng theo phong thủy, vị trí càng cao sẽ càng đón được nhiều Khí. Tuy nhiên, trong Khí lại có cả Khí tốt (Sinh khí) và Khí xấu (Sát khí). Vì vậy, đón được nhiều Khí nhưng nếu là Sát khí thì lại là có hại chứ không phải có lợi. Thậm chí, ngay cả đối với Khí tốt thì cũng không phải cứ càng nhiều là càng tốt, mà vấn đề mấu chốt là ở sự hài hòa. Sinh khí nhiều nhưng Khí quá mạnh sẽ tạo nên sự xung sát cũng không tốt, thậm chí là gây bất lợi cho con người. Vì vậy, phong thủy mới nghiên cứu về địa hình địa vật, cánh tay thanh long, bạch hổ hay án sơn, minh đường, bình phong và cấu trúc ngôi nhà, cách bố trí các cửa... để làm sao cho khí lưu chuyển hài hòa để tác động vào con người một cách có lợi nhất.

Mặt khác, nhà cao vượt lên so với các ngôi nhà xung quanh ngoài việc phải hứng chịu luồng Khí xung sát mạnh, còn làm cho ngôi nhà và gia chủ bị tách biệt và trở thành cô lập so với xung quanh. Nó cũng tạo cảm giác trống trải, không được che chở, từ đó gây cảm giác bất an cho gia chủ. Việc hứng chịu nhiều ánh nắng mặt trời cũng làm cho khí dương quá mạnh, gây mất cân bằng âm dương, đều là điều không tốt cho phong thủy.

Tuy nhiên, nếu ngôi nhà thấp hẳn so với xung quanh sẽ thiếu ánh sáng và khí trời, Khí âm quá mạnh dẫn đến âm thịnh dương suy cũng là điều không tốt. Vì vậy, phương án tốt nhất khi làm nhà ở là có sự hài hòa với môi trường xung quanh. Tức là cần tính toán thiết kế với độ cao hợp lý để làm sao vừa đủ để thông thoáng, đón được không khí và ánh sáng tự nhiên, vừa có chiều cao vừa phải để tạo sự thân thiện, gần gũi, ấm cúng, tăng sự giao tiếp giữa con người với nhau.

Về chiều cao ngôi nhà, không nên làm cao vượt hẳn lên mà chỉ nên có độ cao vừa phải, cân đối với xung quanh. Nhất là với ngôi nhà áp tường kế bên và nhà đối diện, nếu có được chiều cao bằng nhau là tốt nhất. Trong trường hợp những ngôi nhà xung quanh làm trước đó đã xây quá cao hoặc quá thấp mà ta không thể làm theo được, thì cũng nên tính toán độ cao ngôi nhà của mình cho hợp lý, có thể cao hơn hoặc thấp hơn nhưng vẫn giữ được sự hài hòa.

Trong trường hợp này, nếu có thể thì thiết kế sao cho nhìn tổng thể cả dãy nhà tạo được hình lượn sóng như dạng đồ thị hình sin là tốt nhất. Vì cho dù không có độ cao đồng nhất, nhưng nhìn chung vẫn tạo được sự chuyển tiếp hài hòa về độ cao mà không có sự đứt gãy hay chuyển hướng đột ngột. Mặt khác, dạng môi trường hình lượn sóng cũng tạo điều kiện cho luồng khí di chuyển một cách mềm mại, uyển chuyển, hài hòa và đem lại sức khỏe tốt nhất cho con người. Còn trong thực tế cuộc sống, dãy nhà có chiều cao tương đồng còn tạo được mặt trên sân thượng làm lối thoát hiểm sang nhà kế bên rất tốt khi chẳng may có hỏa hoạn xảy ra.

Tất nhiên trong thời hiện đại, ở các đô thị vẫn có xu hướng phát triển các ngôi nhà chọc trời. Tuy nhiên, đó lại thường là các khu thương mại, văn phòng hay chung cư cao tầng, chứ không phải nhà ở riêng lẻ. Do đó đối với loại hình này, chúng có đặc điểm riêng về phong thủy và xin được bàn trong các bài viết khác./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top