Aa

Lạm phát 2022: Áp lực đã thấy rõ

Thứ Sáu, 11/03/2022 - 13:55

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, việc thiếu hụt lao động sẽ khiến doanh nghiệp phải chi thêm để tuyển dụng, đào tạo, điều này cũng tạo áp lực cho lạm phát.

Để kiểm soát lạm phát trong năm 2022, các chuyên gia nhấn mạnh cần điều hành chính sách tiền tệ phối hợp linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác đồng thời kiểm soát chặt chẽ về nguồn cung, nhất là nguồn cung xăng dầu, giữ ổn định mặt bằng giá hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát có thể vượt mốc 4%

Nhận định về các yếu tố tác động đến lạm phát năm nay, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất đó là chi phí đẩy. Cụ thể, tình hình căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá của nhiều loại nhiên liệu đã tăng giá rất cao.

Đơn cử, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore trong tháng 1/2022 là 98 USD/thùng, nhưng trong mấy ngày qua đã tăng lên 130 USD/thùng. Các mặt hàng nhiên liệu khác như than cũng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới ngành điện và sản xuất điện. Như vậy, với kịch bản điều hành giá năm nay và diễn biến thị trường xăng dầu, ông Định cho rằng lạm phát có thể vượt mức 4%, dao động từ 3,6 tới 4,3%.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng phân tích áp lực lạm phát năm 2022 ở ba góc độ, thứ nhất tổng cầu tăng cao, đặc biệt là trong thời gian tới dưới tác động của gói hỗ trợ kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng.

Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, vì vậy khi giá cả thế giới tăng, giá chi phí đầu vào tăng, khiến tạo ra áp lực lạm phát chi phí đẩy và nhập khẩu lạm phát.

Nguyên nhân thứ ba là do đứt gãy chuỗi cung ứng kể cả trong nước và quốc tế. Ngay cả các quốc gia châu Âu cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Mục tiêu của họ trong năm 2022 là dưới 2%, nhưng ở thời điểm hiện tại là 5,1% và còn có thể tăng nữa.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, việc thiếu hụt lao động sẽ khiến doanh nghiệp phải chi thêm để tuyển dụng, đào tạo, điều này cũng tạo áp lực cho lạm phát. Ngoài những áp lực đang hiện hữu rõ, các chuyên gia cũng nhận định vẫn có nhiều yếu tố tích cực đối với việc kiểm soát lạm phát.

Ông Nguyễn Bá Khang - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đều kiểm soát lạm phát tương đối tốt, chỉ số lạm phát lõi chỉ từ 1 - 2% nhờ vào việc điều hành hiệu quả chính sách tài khoá, tiền tệ, từ đó tạo ra nền tảng, sự tự tin về kiểm soát lạm phát không tăng quá cao trong thời gian tới kể cả có những cú sốc từ bên ngoài.

Sự hỗ trợ của chính sách miễn giảm thuế, lệ phí thời gian qua cũng tạo sự bình ổn giá tốt, bù đắp phần nào cho những yếu tố tác động lên lạm phát. Vì vậy, theo tính toán, lạm phát bình quân trong quý I/2022 so với năm 2021 có thể tăng trong khoảng 2 - 2,2%.

Các chuyên gia cũng cho rằng, lạm phát sẽ không tác động lớn tới tỷ giá, bởi lẽ, trong thời gian qua, phương thức điều hành tốt đã giúp cho cung cầu ngoại tệ ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, tạo ra thuận lợi lớn trong việc điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá trong năm 2022.

“NHNN đã có chính sách tiền tệ rất tốt trong thời gian qua trong chuyện cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và điều hành tỷ giá, tỷ giá của Việt Nam hiện nay không còn phụ thuộc nhiều vào lạm phát, giá vàng. Đây là yếu tố giúp chúng ta có thể yên tâm về sự ổn định của tỷ giá trong thời gian tới ”, ông Lâm nhấn mạnh.

Kìm giá xăng dầu để giảm áp lực lạm phát

Theo ông Nguyễn Bá Khang, để kiểm soát lạm phát, trước hết Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát trong nước. Đặc biệt, cần dự báo các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Với chính sách tiền tệ, cần tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát tín dụng để phù hợp với mức độ hấp thụ của nền kinh tế, hạn chế tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Đối với chính sách tài khoá, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mới để giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giảm chi phí sản xuất, không gây ra tăng giá chung.

Ông Khang nhấn mạnh cần điều hành hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, cung tiền, lãi suất, điều tiết lượng tiền ra vào để bình ổn giá cả. Ngoài ra, cần có lộ trình phù hợp hơn để điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý, nhằm giảm áp lực lạm phát do các yếu tố này gây ra trong năm 2022.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Bích Lâm, để kiểm soát lạm phát, cần phải kiểm soát nguồn cung, đặc biệt là cung về xăng dầu. Bên cạnh việc sử dụng quỹ bình ổn, giảm thuế bảo vệ môi trường thì cũng có thể sử dụng các công cụ thuế phí khác, theo thống kê, các khoản thuế, phí hiện chiếm 40% giá xăng dầu.

Tuy nhiên, mới đây các chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách (VERP) cho rằng, đề xuất giảm thuế môi trường 1.000 đồng trên mỗi lít xăng của Bộ Tài chính cũng không tác động quá nhiều tới việc giảm CPI và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ nên cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31/12/2022.

Về vấn đề này, đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Xuân Định phân tích, mặt hàng xăng dầu là một mặt hàng đặc biệt, phụ thuộc nhiều vào cung cầu, chính trị, tâm lý, vị thế các nước. Dù nguồn cung trong nước đảm bảo nhưng giá xăng dầu cũng vẫn sẽ phụ thuộc giá xăng dầu thế giới. Đối với mặt hàng xăng dầu, quỹ bình ổn giá là một trong những công cụ hữu hiệu để ổn định mặt bằng giá.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc sử dụng quỹ bình ổn giá linh hoạt, phù hợp trong từng bối cảnh trong thời gian tới là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên giải pháp căn cơ hiện nay là phải đảm bảo nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ. Việc tăng cường kiểm tra giám sát của Bộ Công Thương cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top