Đó là nội dung ông Đào Minh Thắng, Chi đoàn Vụ Chính sách tiền tệ trình bày tại hội thảo "Điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sau khủng hoảng tài chính toàn cầu".
Tại hội thảo, Vụ Chính sách tiền tệ trình bày những nghiên cứu của mình về điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam giai đoạn hậu khủng hoảng. Trong giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khi lạm phát ở mức cao, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài sau những gói kích thích nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng, dòng vốn vào Việt Nam có dấu hiệu chậm lại, giá hàng hóa thế giới tăng cao, tình trạng đô la hóa nền kinh tế lớn. Trong giai đoạn đó, NHNN cung cấp thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong thời điểm khó khăn, cụ thể là:
Về tái cấp vốn, NHNN có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà có thu nhập thấp (2013 - 2016).
Trên thị trường OMOs, NHNN chủ động, linh hoạt điều tiết lượng tiền cung ứng, trung hòa kịp thời lượng tiền đồng đưa ra thị trường trong giai đoạn NHNN mua được nhiều ngoại tệ, liên tục giảm lãi suất tín phiếu để phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường.
Về dự trữ bắt buộc: Trong năm 2011, NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và mở rộng diện tiền gửi phải dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ; từ 2012 đến 2017; giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm tạo điều kiện cho điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt.
Về tỷ giá: Áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý trong đó NHNN quy định tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ dao động của tỷ giá trong năm. NHNN công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng một lần và áp dụng cho một thời kỳ nhất định; Từ 2016, NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm - tỷ giá trung tâm thay đổi hàng ngày theo diễn biến thị trường; đồng thời linh hoạt mua ròng ngoại tệ và bán ròng ngoại tệ từ 2012 đến 2017.
Về lãi suất: NHNN Tăng các mức lãi suất chính sách nhằm kiểm soát lạm phát (2011), giảm các mức lãi suất điều hành (2012-2014); duy trì các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định mặt bằng lãi suất thị trường trong năm 2015 - 2016 và từ 2017, NHNN giảm lãi suất điều hành 0,25%. NHNN cũng đồng thời áp dụng chính sách trần tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường.
Về điều hành lãi suất: Phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô. Cụ thể là: Năm 2011, nâng mạnh các loại lãi suất điều hành nhằm kiểm soát lạm phát ở mức cao; từ 2012 - 2017, giảm dần các loại lãi suất điều hành trong điều kiện lạm phát đã được kiểm soát tương đối tốt nhằm hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Giảm trần lãi suất huy động, đặc biệt đưa trần lãi suất huy động USD về 0% nhằm hạn chế đô la hóa, tiến tới tự do hóa lãi suất. Trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên được giảm từ ngưỡng 15% xuống còn 6,5%. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm chi phí hoạt động, từ đó giảm lãi suất cho vay với khách hàng.
Điều hành nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn và dự trữ bắt buộc: Sử dụng linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết cung tiền, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và các cân đối vĩ mô trong từng trường hợp; Kết hợp trung hòa tiền đồng bằng OMOs với mua ròng ngoại tệ trong giai đoạn dòng vốn nước ngoài chảy vào ròng nhằm tăng dự trữ ngoại hối và kiểm soát lạm phát; Cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành nhằm hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu; Năm 2011, NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với USD lên 8% với không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng, 6% với kỳ hạn trên 12 tháng.
Từ đó đến này, các mức dự trữ bắt buộc được giữ nguyên; Xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng và kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng; Thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Về định hướng dài hạn là đổi mới điều hành chính sách tiền tệ; nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng; chống đôla hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.