Aa

Lạm phát tạm thời hạ nhiệt, nhưng các yếu tố tiềm ẩn vẫn còn

Thứ Tư, 01/11/2023 - 15:33

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 đột ngột giảm mạnh sau 4 tháng liền tăng liên tục, đạt mức khá cao trong tháng 9. Điều này tạm thời giảm bớt áp lực đối với thị trường tiền tệ, tuy nhiên nguy cơ lạm phát vẫn tiềm ẩn.

Lạm phát đột ngột giảm mạnh

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 10 tăng 3,2% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,59%. Đây là tín hiệu đổi chiều rõ rệt về chỉ số giá tiêu dùng, sau khi chỉ số này đã tăng khá mạnh trong 9/2023, cụ thể với 1,08% so với tháng 8. Đặc biệt tính đến tháng 9/2023 đã có một chuỗi 4 tháng chỉ số CPI tăng liên tiếp từ tháng 5.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Một trong những lý do khiến cho giá cả tiêu dùng tháng 10 tăng chậm lại đáng kể so với tháng 9 là áp lực tăng giá của các mặt hàng giáo dục, vốn là yếu tố chính ảnh hưởng đến CPI tháng đã không còn trong tháng 10.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm giáo dục tháng đã tăng tới 8,06% so với tháng trước, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 8,99% do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Một số trường đại học công lập, dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023 - 2024 để đảm bảo thu chi thường xuyên. Bên cạnh đó, giá văn phòng phẩm, giá sách giáo khoa… cũng có xu hướng tăng vào mùa khai giảng năm học mới. Sang tháng 10, giáo dục vẫn là yếu tố tăng giá mạnh trong rổ chỉ số chung với tốc độ 2,25%, nhưng cũng đã hạ nhiệt khá nhiều so với 1 tháng trước đó.

Ngoài ảnh hưởng của mặt hàng giáo dục, bối cảnh hiện nay cho thấy sức tiêu dùng nhiều mặt hàng khác cũng bị sụt giảm do sức mua của nền kinh tế bị yếu đi từ khó khăn chung dẫn đến sụt giảm thu nhập. Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường thuộc VinaCapital cho biết, tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng bởi những thách thức đang diễn ra trên thị trường bất động sản và do xuất khẩu sụt giảm, dẫn đến tình trạng một số nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cắt giảm nhân công.

Số liệu cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng 20,8% cùng kỳ năm 2022 (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%, cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%).

Lãi suất dương đã trở lại trong tháng 10/2023. Ảnh: TL

Tạm thời giải tỏa áp lực với thị trường tiền tệ

Việc chỉ số CPI hạ nhiệt đã phần nào tạm thời giảm áp lực đối với thị trường tiền tệ bởi CPI nếu vẫn tiếp tục “nóng” như giai đoạn tháng 9 thì mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế sẽ rất khó thực hiện.

Hiện nay mặt bằng lãi suất kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng đang ở mức khoảng 6%/năm đầu vào và khoảng 9-10% đầu ra. Mức lãi suất này vẫn cao hơn so với CPI xét trên chu kỳ cả năm (đến cuối tháng 9/2023 CPI vẫn chỉ mới tăng 3,16% so với cùng kỳ) do có một số tháng đầu năm 2023 chỉ số CPI tăng rất thấp. Tuy nhiên nếu tính theo thời điểm thì lãi suất của giai đoạn tháng 9 đã bị âm, cụ thể lãi suất bình quân tính theo tháng thời kỳ đó chỉ 0,5% với đầu vào và khoảng 0,8% đầu ra, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng CPI 1,08% của tháng 9.

Tuy nhiên, thực trạng lãi suất âm đã nhanh chóng qua đi và đã dương trở lại trong tháng 10, nhờ CPI tháng 10 chỉ tăng rất nhẹ 0,08%. Đây cũng là yếu tố đủ để các ngân hàng vẫn có thể dần điều chỉnh lãi suất xuống thấp hơn nhằm thực hiện mục tiêu chung trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua các hoạt động trên thị trường tiền tệ.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng, lạm phát tiềm ẩn vẫn còn, đặc biệt những ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng trong tháng 10 tuy chưa thể hiện ngay vào giá tiêu dùng tháng 10, nhưng sẽ có có độ trễ tác động lên giá cả trong những tháng tiếp theo. Trong khi đó, những dự báo mới của các tổ chức tài chính đưa ra gần đây cũng cho thấy lạm phát có thể cao hơn so với các dự báo cũ do chính họ đưa ra trước đó.

Ngân hàng Standard Chartered đã nâng dự báo lạm phát năm 2023 từ 2,8% lên 3,4% và ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, thuộc ngân hàng này cho biết, lạm có khả năng sẽ tăng cao hơn trong năm tới. Trong đó, giáo dục, nhà ở, thực phẩm, chi phí vận chuyển là những nhân tố chính dẫn đến lạm phát gần đây./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top