Aa

Làm sạch hồ Tây, sông Tô Lịch như thế nào?

Thứ Năm, 27/12/2018 - 13:09

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vừa đề xuất giải pháp bổ cập nước hồ Tây bằng nước sông Hồng nhằm cải thiện chất lượng nước hồ, từ đó làm sạch sông Tô Lịch.

Sông Tô Lịch hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng Ảnh: pv

Sông Tô Lịch hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng Ảnh: PV

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hồ Tây có nguy cơ biến thành hồ chết nếu ô nhiễm không được xử lý và nếu mực nước trong hồ tiếp tục giảm, hệ sinh thái trong hồ sẽ bị ảnh hưởng. Giải pháp bổ cập nước sẽ giúp hồ Tây trở thành hồ nước lưu thông, duy trì được mực nước ổn định, cải thiện chất lượng nước, tạo cảnh quan môi trường và khai thác du lịch.

Công ty đề xuất phương án lấy nước từ sông Hồng qua hệ thống máy bơm và đường ống áp lực để bổ cập cho hồ Tây và pha loãng, làm sạch nước sông Tô Lịch, vì bản chất hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy mà thành. Về cơ bản chất lượng nước sông Hồng sẽ phù hợp với hệ sinh thái trong hồ Tây.

Sẽ xây dựng trạm bơm kiểu cố định được đặt ở sát mép sông tương ứng mực nước thấp nhất của sông Hồng, gồm 4 máy bơm chìm công suất 2.500m3/giờ, trong đó 3 máy bơm làm việc thường xuyên. Tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua đê vào mương tiêu cạnh công viên nước Hồ Tây. Công ty Thoát nước đã xả nước thử nghiệm vào các ngày 12 và 13/9 trong thời gian khoảng 16 giờ. Mực nước hồ Tây giảm 11cm và nước sông Tô Lịch đã được cải thiện, có màu xanh của nước hồ và không còn mùi hôi.

Phương án bổ cập nước hồ Tây từ nước sông Hồng nhận được sự đồng tình của một số nhà khoa học. Tuy nhiên, giáo sư Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch hội đồng Đại học Thủy lợi lưu ý, nước sông Hồng ngày càng sút giảm so với trước đây. Do vậy, cần phải tính toán kỹ nguồn nước và thời điểm lấy nước, cần đặt máy bơm chìm dưới mực nước sông Hồng để bơm vào hồ Tây.

PGS. Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường đề nghị Hà Nội cố gắng làm sạch sông Tô Lịch và hồ Tây, tuy nhiên, quy trình đưa nước sông Hồng vào hồ Tây cần phải tính toán kỹ việc xử lý nước. PGS.TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, người đã có hàng chục năm nghiên cứu về hồ Tây cho rằng, với hồ Tây không chỉ thay nước, nạo vét là xong. Bởi nếu làm mất hệ thống thủy sinh đặc trưng của hồ thì hồ Tây sẽ chẳng khác gì cái bể chứa nước, không có giá trị về cảnh quan, sinh học.

Ông Yên cũng cho rằng, cần phải khảo sát chất lượng nước sông Hồng có phù hợp với hồ Tây không. Bởi đây là hai dòng nước hoàn toàn biệt lập, không có liên quan đến nhau vì một là dòng chảy, một là dòng tĩnh. Trước mắt, muốn cải thiện môi trường thì phải cải tạo thoát nước xung quanh hồ Tây. Tiếp đó, xem xét các thông số về hệ thống nước sông Hồng, hồ Tây xem có khác biệt nhau hay không. Đồng thời, cũng phải nghiên cứu hệ sinh thái của sông Hồng.

Dự án 800 triệu USD

Nhiều nhà khoa học cho rằng, cùng với việc có các giải pháp bổ cập nguồn nước, thau rửa hồ Tây, sông Tô Lịch, còn phải kiểm soát, xử lý được hệ thống nước thải vẫn đổ ra hàng ngày. Liên quan đến việc làm sạch sông Tô Lịch, theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, từ năm 2016, Hà Nội đã khởi công dự án trị giá 800 triệu USD, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với mục đích cải tạo môi trường, giúp làm sống lại các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô. Chiều 24/12, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo xã Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, xã đã bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, tuy nhiên, chưa biết đến bao giờ nhà máy mới hoạt động. Dự án cũng đã làm lễ khởi công, tuy nhiên, chưa biết được thời điểm nào hoàn thành.

Cá chết ở hồ Tây hồi tháng 7/2018 Ảnh: Trường Phong

Cá chết ở hồ Tây hồi tháng 7/2018 Ảnh: Trường Phong

Tháng 10/2016, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát lệnh khởi công dự án hệ thống xử lý nước thải này, bao gồm nhà máy có công suất 270.000m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874ha. Dự án sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ khoan kích ngầm để thi công tuyến cống bao có độ sâu lên đến 15m đi dưới các tuyến phố đông đúc và công trình ngầm, công nghệ lọc cao tải để xử lý nước thải nồng độ thấp do pha loãng bởi nước mưa...

Theo kế hoạch, các gói thầu khác của dự án cũng sẽ được triển khai đồng loạt trong năm 2017 và các hạng mục của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10/2019, trước 2 năm so với thiết kế ban đầu (2021). Ghi nhận thực tế cho thấy, dù chỉ còn một năm nữa theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành, tuy nhiên đến nay nhiều hạng mục của dự án vẫn còn dang dở.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top