Aa

Làm sao để giải bài toán chống hàng giả, hàng nhái?

Thứ Bảy, 30/11/2019 - 05:50

Hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nhưng thay vì đưa ra bài toán cụ thể thì các cơ quan quản lý vẫn loay hoay trong ma trận hàng giả, hàng nhái mà họ quản lý.

"Làm khó” cơ quan quản lý

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 9 tháng qua, các cơ quan, lực lượng chức năng đã xử lý 149.502 vụ việc vi phạm (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách Nhà nước đạt 12.388 tỷ 709 triệu đồng (giảm 11% so với cùng kỳ 2018), khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018), với 1.908 đối tượng (tăng 44% so với cùng kỳ 2018).

Hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các “mẹt” hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng. Ngoài ra, nó còn đa dạng về mẫu mã, giá cả, phong phú từ cách sản xuất tới tiêu thụ.

Các cơ quan quản lý đau đầu vì ma trận hàng giả, hàng nhái

Chính vì sự “linh động” này đã khiến cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp phải rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nếu cơ quan thực thi không có có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là đối với hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở... Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, vì vậy, việc phát hiện vi phạm cũng gặp khó khăn.

Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có nguồn gốc rõ ràng thì càng khó khăn (chẳng hạn như hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật…). Kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định được vi phạm.

Cũng theo ông Đạt, đôi khi chỉ phân biệt được hàng thật, hàng giả qua cảm quan, kinh nghiệm nhưng để xác định vi phạm thì phải có chứng cứ đầy đủ, rõ ràng hoặc nếu giám định để xác định vi phạm thì phải có chỉ tiêu phân biệt mới dùng kết quả giám định để xác định vi phạm được. Điều này rất khó thực hiện trong thực tế.

Ngoài ra, khi xã hội càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân qua môi trường mạng Internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. t

Trong khi đó, bản thân người mua hàng rất khó phát hiện. Nhận thức, thị hiếu của người tiêu dùng về các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng vẫn còn chưa cao (nhất là đối với các sản phẩm về mỹ phẩm, giày dép, quần áo, đồng hồ...), muốn sở hữu hàng hoá với giá rẻ, cùng với đó là khả năng nhận biết và thông tin để nhận biết hàng thật, hàng giả còn nhiều hạn chế.

Lời giải cho bài toán khó

Để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên gồm Nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức xã hội, địa phương, khu phố cùng các tầng lớp trong xã hội để đẩy lùi nạn hàng giả.

Kiểm tra, giám sát thường xuyên là một trong những biện pháp ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng lậu...

Hiện nay, hàng giả hay hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ đều phải có một địa điểm để sản xuất hay tập trung hàng hóa trước khi đưa ra thị trường. Do đó, sự phát hiện, tố giác từ các tổ chức hay người dân sẽ là thông tin vô cùng quan trọng để cơ quan chức năng vào cuộc.

Mặc dù, để ngăn chặn tình trạng hàng nhái, hàng giả cần có sự phối hợp của nhiều bên, nhưng theo ông Nam điều quan trọng nhất là cần sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý. 

“Luật pháp có nghiêm thì chúng ta mới mong người thực hiện sợ và làm đúng. Trong khi, pháp lý thì còn nhiều lỗ hổng, các cơ quan quản lý thì móc nối với doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sai phạm… Như vậy rất khó có thể trị được tận gốc ung nhọt này”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, đối với lực lượng QLTT cần tự đổi mới mình trong công tác nghiệp vụ, phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn (khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại...), từ đó rà soát, sàng lọc các đối tượng, mặt hàng, các nhãn hiệu có nguy cơ bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, ngăn chặn phù hợp.

Đặc biệt, trong môi trường mạng Internet, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình khi tham gia mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các trang, ứng dụng, sàn thương mại điện tử uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Trên phương diện là người đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nâng cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý hệ thống phân phối, đại lý hàng hoá của mình để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ kỹ thuật nhằm bảo vệ sản phẩm của mình như: Ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tem chống hàng giả, sử dụng công nghệ mới…

Cũng theo ông Đạt, thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ triển khai các công cụ trực tuyến kết nối giữa cơ quan QLTT, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm hỗ trợ hiệu quả và thuận tiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn tiêu dùng cũng như chia sẻ thông tin, tố giác vi phạm. Tăng cường hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân, người tiêu dùng chủ động phòng tránh hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần theo dõi, giám sát hệ thống phân phối hàng hóa của mình, chủ động tố giác các vi phạm, đặc biệt đối với những sản phẩm, hàng hoá liên quan đến chất lượng, an toàn, sức khỏe, lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top