Aa

Làm sao để giảm đầu cơ trên thị trường phái sinh?

Thứ Bảy, 04/08/2018 - 23:00

Đó là câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn “Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững và minh bạch”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Thành tựu của thị trường chứng khoán phái sinh

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, ông Dương Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam điểm qua một số thành tựu mà thị trường chứng khoán phái sinh đã đạt được sau một năm hoạt động (từ ngày 10/8/2017) cụ thể như: Về số thành viên: Ban đầu khi mở cửa thị trường có 7 công ty chứng khoán tham gia, đến nay đã có 9 công ty được cấp phép hoạt động kinh doanh và bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh.

Số lượng nhà đầu tư: Từ hơn 2.000 nhà đầu tư ban đầu đến nay đã có trên 39.000 NĐT đăng ký mở tài khoản tham gia thị trường. Khối lượng và giá trị giao dịch trung bình hàng ngày đạt trên 39.000 hợp đồng tương ứng giá trị là trên 3.700 tỷ đồng tính từ khi mở cửa thị trường đến ngày 1/8. Số lượng vị thế mở đến nay là 18.255 hợp đồng. Giá trị thanh toán lãi/lỗ bình quân hàng ngày chỉ trên 8 tỷ đồng do VSD thực hiện cơ chế bù trừ ròng đa phương trên các tài khoản.

Mặc dù thị trường chứng khoán phái sinh đã có bước khởi đầu thành công với sự tăng trưởng đáng khích lệ, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như thị trường mới chỉ có sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được đưa vào giao dịch.

Số lượng nhà đầu tư (NĐT) tham gia thị trường khá lớn nhưng chủ yếu là NĐT cá nhân (chiếm hơn 99%), số lượng NĐT tổ chức còn ít. Hiện mới chỉ có 98 NĐT tổ chức trong đó số NĐT tổ chức trong nước là 88 và nước ngoài là 10; trong khi đó tại các thị trường phát triển, NĐT tổ chức đóng vai trò chủ đạo.

Làm sao để giảm đầu cơ trên thị trường phái sinh?

Khi được hỏi về việc các cơ quan quản lý có kế hoạch gì để hạn chế tình trạng đầu cơ, tìm kiếm lợi nhuận trong ngày, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: Mục đích chính của thị trường chứng khoán phái sinh là hedging (rào chắn rủi ro). Trên thực tế, NĐT tham gia thị trường phái sinh với mục đích hedging cũng có mà đầu cơ cũng có. Thị trường phái sinh là sân chơi mới, theo thông tin mà Ủy ban Chứng khoán nắm được thì đa số NĐT là các cá nhân, tham gia với mục đích đầu cơ là nhiều hơn.

Vì vậy, mục đích của Ủy ban Chứng khoán trong thời gian tới là phát triển số lượng nhà đầu tư tổ chức vì các NĐT này thường hedging nhiều hơn. Thị trường chứng khoán phái sinh giành cho các NĐT tổ chức là chính.

Trước lo ngại thị trường phái sinh có ảnh hưởng quá lớn, tạo ra sự sụt giảm của thị trường cơ sở, ông Sơn cho biết thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức một số đoàn đi kiểm tra và thấy đúng là có hiện tượng đầu cơ trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy thị trường phái sinh có tác động ngược lại thị trường chứng khoán cơ sở vì quy mô thị trường phái sinh hiện còn quá nhỏ.

Theo ông Sơn, dòng tiền ký quỹ của NĐT chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng là không đủ để làm giảm thị trường cơ sở.

Phát triển thị trường chứng khoán bền vững

Tham luận tại diễn đàn, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thời gian qua, chúng ta đã phát triển được một TTCK phát triển nhanh, khá đồng bộ về cơ cấu. Trong đó, nổi trội nhất đó là TTCK đã thể hiện được chức năng huy động vốn cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp.

Tính đến tháng 6/2018, TTCK đã giúp doanh nghiệp và Chính phủ huy động hơn 2,1 triệu tỷ đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau. Giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu cộng lại đã đạt xấp xỉ 100% GDP. Mặt khác, cho đến nay chất lượng “hàng hóa” trên thị trường đã được cải thiện thông qua các chuẩn mực về quản trị công ty (QTCT), công bố thông tin (CBTT), chế độ báo cáo của công ty đại chúng (CTĐC), với nhiều quy định hướng tới thông lệ quốc tế và nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp.

Theo Bà Tạ Thanh Bình, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ có một số giải pháp chính gia tăng chất lượng tăng trưởng cho thị trường, hướng tới mục tiêu TTCK phát triển ngày càng bền vững, công khai, minh bạch như sau: Sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường; nâng cao chất lượng QTCT; CBTT; tạo cơ chế xử lý CTCK hoạt động kém hiệu quả và thúc đẩy tổ chức kinh doanh chứng khoán phát triển;

Đồng thời bổ sung cơ chế bảo vệ nhà đầu tư; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường (nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, quản lý và ngăn chặn việc lách luật thông qua chào bán riêng lẻ). Đa dạng và nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh công tác CPH, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn nghiệp vụ chào bán, phát hành theo phương pháp dựng sổ (book building).

Mặt khác, tăng cường kiểm tra, đặc biệt là giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi đăng ký giao dịch và niêm yết; giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty. Khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin báo cáo tài chính theo IFRS; các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế; Phát triển cơ sở nhà đầu tư, thu hút vốn ĐTNN; nâng hạng TTCK Việt Nam và tăng cường tính minh bạch của TTCK.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top