Aa

Làm thế nào để tạo nên cuộc cách mạng công trình xanh tại Việt Nam?

Thứ Tư, 28/02/2018 - 22:00

Phát triển công trình xanh tại Việt Nam không chỉ là tiềm năng, cơ hội mà còn là thách thức không nhỏ với ngành xây dựng nói riêng và toàn cộng đồng nói chung. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để công trình xanh trở thành cuộc cách mạng trong thời gian tới?

Phong trào công trình xanh đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam được một thập kỷ qua nếu tính từ năm 2008 khi Tòa nhà văn phòng Unilever tại TP.HCM được thiết kế theo tiêu chí Công trình xanh Green Star (Úc). Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 60 công trình đạt các chứng nhận công trình xanh (IFC,2017).

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều kết quả lớn và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Phát triển công trình xanh tại Việt Nam thúc đẩy hoạt động thiết kế xây dựng công trình và đô thị để có thể vận hành theo các tiêu chí xanh là một hoạt động cấp bách và cần thiết để sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng, hạn chế tác động ô nhiễm tới môi trường, góp phần phát triển các đô thị và đất nước một cách bền vững.

Hiện Việt Nam đang đứng trước một số thách thức, cụ thể như sau. Phát triển đô thị xanh và công trình xanh hiện vẫn đang là một phần nội dung khiêm tốn trong Chương trình quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam. Do vậy, việc cụ thể hóa thành kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Các cơ quan quản lý nhà nước chưa có định hướng chiến lược và các giải pháp chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy phát triển công trình xanh, đô thị xanh tại Việt Nam như một số quốc gia đã và đang tích cực triển khai, như cơ chế ưu đãi tài chính, thuế, đất đai cho công trình xanh.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam còn đắn đo trước yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, chưa biết khai thác yếu tố "xanh" để xây dựng thương hiệu và quan ngại việc đầu tư công trình xanh sẽ làm tăng tổng chi phí đầu tư xây dựng. Với các nguồn vốn nhà nước, rất khó để đưa các khoản chi phí tư vấn công trình xanh vào thành hạng mục chi phí chính thức.

Cần sự nỗ lực giữa các bên liên quan để tạo nên cuộc cách mạng công trình xanh tại Việt Nam

Cần sự kết hợp giữa các bên liên quan để tạo nên cuộc cách mạng công trình xanh tại Việt Nam

Để thúc đẩy công trình xanh tại Việt Nam, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan gồm có: Các cơ quan quản lý Nhà nước; Các nhà thiết kế, tư vấn; Các nhà đầu tư phát triển, chủ đầu tư, chủ sở hữu bất động sản; Các tổ chức cấp chứng chỉ công trình xanh; Các nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp trang thiết bị, vật liệu; Các hội nghề nghiệp như Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam,...; Các trường đại học, viện nghiên cứu; Các cơ quan truyền thông, báo chí;...

Tuy nhiên, hiện nay, sự phối hợp các bên chưa thật sự chặt chẽ và hiệu quả. Để công trình xanh có thể đi vào đời sống mạnh mẽ hơn và trở thành một cuộc cách mạng tại Việt Nam, các bên liên quan cần thúc đẩy triển khai những hoạt động chính như xây dựng chính sách, đào tạo, truyền thông về công trình xanh. 

Cụ thể, tổ chức nghiên cứu, xây dựng các góp ý, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành trung ương nhằm góp phần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, bộ tiêu chí - tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy phong trào phát triển công trình xanh tại Việt Nam nhanh và bền vững.

Đồng thời cần tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội thảo, tọa đàm nâng cao kiến thức và nhận thức về công trình xanh cho các nhà phát triển bất động sản. Vận động các nhà phát triển bất động sản tham gia tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển công trình xanh của quốc gia. Tổ chức tôn vinh, động viên các tổ chức doanh nghiệp và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác này. Đưa các chương trình đào tạo về công trình xanh vào hệ thống giáo dục từ học sinh, sinh viên và mở rộng đến các tầng lớp trong xã hội.

Triển khai và phối hợp triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về công trình xanh. Từ đó tăng cường lựa chọn và sử dụng các sản phẩm công trình xanh, bất động sản xanh, vật liệu xanh...

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam cũng không nên bỏ qua kinh nghiệm quốc tế trong việc loại bỏ rào cản và thúc đẩy công trình xanh phát triển. Trong đó bao gồm việc truyền thông, cung cấp thông tin minh bạch về chi phí và lợi ích của công trình xanh. Theo IFC, tại Việt Nam, chỉ với 60 công trình nhận được chứng nhận cho tới nay cùng với khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin về chi phí dẫn đến việc thị trường Việt Nam chưa có thông tin chính xác về chi phí khi xây dựng công trình xanh. Từ đó việc nhận định sai về chi phí của công trình xanh, hoặc khái quát hóa chi phí của một công trình đơn lẻ thường xuyên diễn ra. Đây là một rào cản cho chủ đầu tư khi tiếp cận công trình xanh, vì không thể tính được phí đầu tư rõ ràng.

Tuy nhiên, trong khi Việt Nam thiếu các số liệu chính xác, thì các thị trường đã phát triển như Mỹ, Singapore, và cả thị trường gần với Việt Nam là Malaysia đều có những khảo sát và phân tích làm rõ chi phí này. Để minh bạch hóa cần nhiêu hơn các công trình đi tiên phong trên thị trường và những chủ đầu tư tự nguyện công khai các thông số về chi phí xây dựng.

Ngoài ra cần khai thác tốt hơn giá trị vận hành của công trình xanh. Hiện tại, với Việt Nam, giá trị quảng bá vẫn là giá trị lớn nhất mà công trình xanh mang lại cho một công ty kinh doanh bất động sản. Trong khi đó giá trị chính của các công trình xanh được ghi nhận tại các thị trường quốc tế đến từ hiệu suất trong vận hành của chúng.

Việc giá điện và nước tại thị trường Việt Nam còn ở mức rẻ là một trong những trở ngại với sự phát triển theo hướng bền vững của ngành xây dựng. Ngoài ra, các chủ đầ tư công trình xanh tại Việt Nam cũng chưa nhận được lãi suất ưu đãi khi vay vốn tại các ngân hàng do các sản phẩm này thường có mức độ rủi ro thấp hơn so với các sản phẩm bất động sản khác, như tại một số quốc gia khác .

Ở một khía cạnh khác, cần thúc đẩy vai trò đòn bẩy của chính sách từ trung ương đến địa phương. Một trong những câu chuyện thành công là Singapore. Trước khi bắt buộc các công trình xây mới trên 2.000m2 phải áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh, Singapore đã thực hành nhiều chính sách khuyến khích chủ đầu tư xây dựng xanh. Trong đó đáng lưu ý là các chính sách khuyến khích phi tài chính cho công trình xanh như các ưu đãi về vị trí khi chỉ các công trình đạt chứng chỉ Green Mark có thể xây dựng trong các khu vực "nóng" của Singapore. Ngoài ra, tại nhiều khu vực khác nhau, các công trình xanh có thể được ưu đãi về số tầng, mật độ xây dựng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top